Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Diêm dân Sa Huỳnh lo lắng khi bị thu hồi đất làm muối

PV - 10:08, 20/07/2018

Đồng muối Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là vựa muối nổi tiếng bậc nhất miền Trung, gắn liền với lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người địa phương. Tuy nhiên gần đây, người dân đang lo ngại về sinh kế của mình khi bị thu hồi 10ha đồng muối để xây dựng Dự án khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh.

Dự án này thuộc xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) có diện tích 20ha, được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2017. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư-Phát triển đô thị Ân Phú làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 210 tỷ đồng. Theo quy hoạch, có 10ha đất thuộc Dự án là ruộng muối của hơn 50 hộ diêm dân. Như vậy, những diêm dân này sẽ mất kế sinh nhai khi ruộng muối nằm trong Dự án quy hoạch khu dân cư. Họ sẽ làm gì để sinh sống?

ruộng muối Diêm dân sẽ làm gì khi ruộng muối bị thu hồi (trong ảnh: một góc đồng muối Sa Huỳnh).

 

Theo ông Kiều Bá Đoàn, ở thôn Tân Diêm, gia đình ông có 5 sào đất làm muối, tất cả đều nằm trong Dự án quy hoạch đô thị. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập được từ 30-50 triệu đồng từ làm muối. Mặc dù giá muối bấp bênh, nhưng so với trồng lúa thì thu nhập vẫn khá hơn. “Gia đình tôi có 7 người,. tiền ăn, tiền bọn trẻ đi học, mọi chi tiêu trong gia đình đều nhờ vào ruộng muối. Giờ bị thu hồi đất, gia đình tôi chưa biết làm gì để sống. Tôi đã lớn tuổi, khó mà chuyển đổi nghề”, ông Đoàn bộc bạch.

Anh Ngô Văn Sang cũng ở thôn Tân Diêm thở dài: “Nghề làm muối tuy có vất vả nhưng từ hồi giờ cả nhà tôi đều làm muối, chứ đâu có nghề nào khác. Tiền đền bù có đáng là bao, lo nhất là không có đất làm muối, cả 4 người trong gia đình tôi không biết sống dựa vào đâu?”.

Không chỉ người dân trong vùng Dự án lo lắng cho kế sinh nhai, mà nhiều người khác cũng tỏ ra lo ngại về những tác động không tốt của Dự án đối với diện tích còn lại. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Thạnh Đức 1, đặt câu hỏi: Khi khu dân cư mới được xây lên, liệu nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng muối hay không? Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ che chắn gió, ảnh hưởng đến quá trình kết tinh của hạt muối, các nhà hoạch định đã nghĩ đến chưa?

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho rằng, khu nhà ở chỉ xây dựng trên một phần đồng muối, nên không che chắn gió. Và việc giảm diện tích ruộng muối sẽ tạo nguồn lực đầu tư, cải tạo ruộng muối tập trung vào diện tích còn lại.

Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh chia sẻ, đồng muối truyền thống Sa Huỳnh có vai trò quan trọng đối với cuộc sống người dân và hệ sinh thái nước mặn ở địa phương. Tuy nhiên, Dự án trên phù hợp trong bối cảnh tuổi lao động nghề muối đang già đi, giá muối bấp bênh, đầu ra không ổn định, việc giảm sản lượng, tăng giá trị sẽ giúp đảm bảo cuộc sống của người làm muối. Tuy nhiên ông Trinh cũng cho rằng, đồng muối truyền thống là một phần của nền văn hóa Sa Huỳnh nên cũng phải giữ diện tích còn lại, không nên lấy thêm nữa.

Được biết, UBND xã Phổ Thạnh phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư-Phát triển đô thị Ân Phú tổ chức họp 20 hộ diêm dân để thống nhất phương án bồi thường. Số tiền đền bù đưa ra khoảng 100 triệu đồng/sào, cộng thêm kinh phí hỗ trợ đời sống từ 10-20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, các hộ diêm dân vẫn chưa đồng tình với mức giá này.

Người dân cho rằng, chủ trương của Nhà nước đưa ra thì người dân đều đồng lòng thực hiện, nhưng phải tính đến việc không còn ruộng muối thì người dân sống bằng nghề gì. Phải có sự hỗ trợ, đền bù thỏa đáng để người dân có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.