Vô tư lấn chiếm
Theo quan sát của phóng viên, ngay ở vùng lõi của danh thắng tại xã Tả Van, nhiều công trình không phép thi nhau mọc lên. Chính quyền cứ dẹp, người dân sau đó lại dựng lên.
Ông Lý Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Tả Van cho biết: Theo kết luận của Thanh tra huyện Sa Pa, tính đến ngày 18/9/2018, xã Tả Van có 69 trường hợp vi phạm đất đai và xây dựng trong khu vực Danh thắng ruộng bậc thang. Việc vi phạm chưa dừng lại ở đó, sau khi chính quyền có văn bản nhắc nhở nhưng tính đến ngày 30/4/2019, trên địa bàn xã lại có thêm 38 trường hợp vi phạm.
Còn theo thống kê của huyện Sa Pa, tính đến ngày 8/6/2019, có tổng cộng 190 trường hợp thuộc 3 xã Tả Van, Hầu Thào và Lao Chải vi phạm vào Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa. Trước thực trạng này, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền huyện Sa Pa tăng cường quản lý, siết chặt việc chuyển nhượng đất đai, cấp giấy phép xây dựng ở ba xã thuộc phạm vi Danh thắng quốc gia.
Ông Lê Tân Phong, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa cho biết: để lập lại trật tự quản lý đất đai, xây dựng, ngăn chặn việc xâm hại Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, huyện Sa Pa đã thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là cưỡng chế, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất ruộng, đất lúa; lập biên bản, xử phạt hành chính các công trình vi phạm trật tự xây dựng; kỷ luật, điều chuyển cán bộ xã vi phạm; rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm để giải quyết hợp lý, hợp tình, bảo đảm kỷ cương pháp luật và quyền lợi chỗ ở chính đáng cho người dân, nhất là những hộ nghèo, diện chính sách.
Tính đến thời điểm này, huyện đã cưỡng chế, tháo dỡ 15 công trình xây dựng trái phép, lập biên bản xử phạt 175 trường hợp. Bên cạnh đó, huyện tập trung chấn chỉnh trách nhiệm công vụ của cán bộ chủ chốt các xã nằm trong vùng Di tích danh thắng, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm hoặc bao che, tiếp tay, không gương mẫu để người thân xây dựng trái phép, vi phạm qui định bảo vệ Di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa theo Luật Di sản. Cụ thể, đã cho thôi việc đối với Chủ tịch UBND xã Tả Van, kỷ luật cán bộ địa chính xã này; kỷ luật Chủ tịch UBND xã Hầu Thào và điều chuyển cán bộ địa chính xã này đi làm nhiệm vụ khác...
Cần các giải pháp lâu dài
Ông Lê Tân Phong nhấn mạnh, các giải pháp trên chỉ mang tính chất tạm thời trước mắt. Còn để giải quyết tận gốc vấn đề này cần phải có các giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.
Theo ông Phong, khó khăn lớn nhất của Sa Pa hiện nay là còn hàng trăm hộ dân đã sinh sống, làm nhà ở từ lâu đời, trước cả khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận Di tích quốc gia Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa. Họ có nhu cầu sửa chữa nhà ở do xuống cấp, hoặc tách hộ cho con cái lập gia đình ra ở riêng, nhưng đều rất khó khăn, hầu như không thực hiện được do vướng mắc các quy định hiện hành về bảo vệ nghiêm ngặt Di tích danh thắng quốc gia, nhất là vùng bảo vệ 1. Việc cấp sổ đỏ cho người dân có nhà ở từ trước do vướng các quy định, nên cũng không tiến hành được.
Để giải quyết tồn tại này, huyện Sa Pa đưa ra giải pháp phân loại thực tế các trường hợp, cụ thể là: Hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương, tách khẩu cho con cái cho 120 trường hợp, những trường hợp này sẽ xem xét để giải quyết hợp lý, bảo đảm chỗ ở và không xâm hại danh thắng quốc gia.
Tuy nhiên, từ góc độ cơ sở, chúng tôi cũng thấy rằng, trong quá trình công nhận Di tích quốc gia danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Ví dụ như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như các ngành chức năng chưa tổ chức cắm mốc xác định ranh giới ngoài thực địa, gây khó khăn cho việc xác định chính xác đâu là đất Di tích. Thứ hai, khi công nhận di tích thì chưa có cơ chế giải quyết sinh kế, bảo đảm đời sống của người dân trong vùng di tích.
Đối với vùng lõi thì yêu cầu phải giữ nguyên trạng kể cả nhà cửa, cây trồng trên đất; như vậy thì đối với nhiều nhà dân đã cũ hỏng thì nhu cầu sửa chữa là đương nhiên nhưng quy định bảo tồn di tích thì lại không được. “Đây là vùng du lịch, nếu người dân mở các dịch vụ thì đương nhiên có thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, nhưng quy định phải giữ nguyên trạng nên họ không được làm vậy, thì Nhà nước phải có cơ chế chính sách để làm sao người dân có thu nhập, hỗ trợ họ như thế nào… có như vậy, bà con mới chung tay cùng chính quyền cơ sở bảo vệ danh thắng…”, ông Phong nhấn mạnh.
TRỌNG BẢO