Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Sơn (Tuyên Quang): Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông để giảm nghèo về thông tin

Mai Hương - Việt Hà - 07:39, 08/12/2023

Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) xác định việc phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động, tăng cường chuyển đổi số, sẽ là giải pháp tích cực trong việc giảm nghèo về thông tin, giảm nghèo đa chiều. Từ đó khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Người dân đầu tư lắp đặt các nhà mạng, internet để kịp thời nắm bắt thông tin thời sự chính trị, giải trí
Người dân đầu tư lắp đặt mạng internet để kịp thời nắm bắt thông tin thời sự chính trị, giải trí

Phát triển hệ thống truyền thanh thông minh

Đã thành thói quen, sáng nào đi tập thể dục, ông Ma Ngọc Lương ở thôn Đồng Phạm, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cũng cùng những người bạn của mình nghe các chương trình phát ra từ chiếc loa truyền thanh lắp tại nhà văn hóa xã.

Ông Ma Ngọc Lương cho biết, "Qua những buổi truyền thanh trên loa, chúng tôi nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích như về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và vận dụng trong gia đình có hiệu quả hơn. Đặc biệt là các chương trình họp của Hội đồng nhân dân huyện cũng được thông tin trên loa truyền thanh, nhờ vậy, chúng tôi nắm bắt được các chủ trương của huyện để cùng thực hiện nghiêm chỉnh".

Xã Kiến Thiết được huyện Yên Sơn đầu tư kinh phí truyền thanh gồm 17 cột với 17 loa; phủ sóng toàn xã và một số thôn của xã lân cận. Nghe tin tức từ loa truyền thanh đã trở thành thói quen của ông Phạm Bá Tuất ở thôn Bắc Triển và nhiều người dân ở xã Kiến Thiết mỗi ngày. Ông/bà cho biết: "Hệ thống loa ở nhà văn hóa xã ngày nào cũng mở để bà con nghe. Tôi rất thích các chương trình thời sự, ca nhạc, chăm sóc sức khỏe, cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho tôi".

Ông Lê Thế Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết, xác định công tác giảm nghèo luôn là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã Kiến Thiết đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin bằng loa phát thanh, trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Từ đó, nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững, khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, điều kiện của từng hộ nghèo, tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho hộ nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo. Toàn xã Kiến Thiết có 17 loa phát thanh trải đều 17 thôn xóm. Trung bình, hằng ngày sẽ có thường trực nhà văn hóa của xã sẽ tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông báo, thông tin của UBND huyện, xã để người dân nắm bắt kịp thời.

Cán bộ TTVH Yên Sơn hướng dẫn về quản lý truyền thanh qua mạng internet.
Cán bộ TTVH Yên Sơn hướng dẫn về quản lý truyền thanh qua mạng internet.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ số

Yên Sơn là huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Tuyên Quang, có nhiều đồi núi, thôn bản nằm cách xa nhau, nên gặp khó khăn trong phủ sóng phát thanh khiến người dân, đặc biệt vùng DTTS khó nắm bắt thông tin tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Nhằm khắc phục tình trạng "lõm sóng", đến nay, huyện đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP) tại 20 xã với 279 cụm điểm loa. Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm xây dựng, đầu tư từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin, truyền thông, góp phần tích cực giảm nghèo về thông tin trên địa bàn. Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng núi của huyện. Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công cuộc giảm nghèo. 

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lắp mạng 3G, internet tại các xã trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 28 xã, thị trấn có mạng 3G để phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người dân. 

Tại thị trấn Yên Sơn nơi có đông người dân sinh sống với 3.600 hộ dân, 07 dân tộc anh em sinh sống ở 21 tổ dân phố. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 237 hộ nghèo, tương ứng chiếm tỷ lệ 7,62%; hộ cận nghèo là 98 hộ, tương ứng chiếm 3,15%, đến hết tháng 10 tỷ lệ hộ giảm còn 180 hộ, 5,8%; hộ cận nghèo 122 hộ, 3,66%. Toàn thị trấn có 1 bản đặc biệt khó khăn nằm trong vùng 135. Năm 2022, các hộ nghèo của thị trấn đã được mạng viễn thông tặng sim 3G miễn phí cho 237 hộ nghèo trên 21 tổ, dân phố trên địa bàn. Ngoài ra, thị trấn còn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng số kỹ năng truy cập internet.

Ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND Thị trấn Yên Sơn cho biết: Để giúp bà con DTTS quen dần với thiết bị thông minh, ngoài việc lắp sim 3G, mạng internet, thị trấn còn phân công lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ bà con truy cập các dịch vụ công, tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt trên môi trường số.

"Từ ngày nhà có ti vi, có mạng wifi, có sim 3G… tôi thường xuyên mở xem các chương trình hướng dẫn trồng rừng, chăn nuôi để bà con cùng học tập, trao đổi từ đó áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, cập nhật tin tức thời sự ", ông Hoàng Văn Sứ, tổ trưởng tổ dân phố Trầm Ân, thị trấn Yên Sơn cho biết. 

Hiện nay, toàn huyện Yên Sơn có 363 tổ công nghệ số cộng đồng với trên 1.800 nghìn thành viên tham gia. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách dùng các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần giảm nghèo về thông tin.

Theo Phòng Văn hóa huyện Yên Sơn, để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, Phòng đã tham mưu cho UBND thuyện ban hành các kế hoạch tuyên truyền; đề xuất nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và dự án thành phần thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin cơ sở tại xã Trung Môn.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin cơ sở tại xã Trung Môn.

Theo đó, đến hết tháng 11/2023, đã có hơn 1.600 tin, bài tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, tỉnh và huyện Yên Sơn đã được các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, hệ thống cổng thông tin điện tử đã đăng tải. Trong đó, các tin bài thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của huyện chiếm khoảng 80%, có nhiều tin bài phản ánh cụ thể về chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của huyện đến với Nhân dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tuyên nhiều tin, bài, trong đó có nhiều tin, bài theo định hướng tuyên truyền về các nội dung về chương trình giảm nghèo bền vững.

Để góp phần nâng hiệu quả công tác truyền thông và giảm nghèo thông tin trong những năm tiếp theo, huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, đồng thời từng bước tiếp cận, hòa nhịp chuyển đổi số. Đồng thời, huyện cũng sẽ triển khai xây dựng hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số cho 28 xã, thị trấn và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng hơn 1.000 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở. Sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở; đảm bảo nội dung thông tin tuyên truyền phong phú, đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân.

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 6 Giảm nghèo về Thông tin thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện Yên Sơn năm 2023, vừa qua, tại thị trấn Yên Sơn và xã Trung Môn, Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Sơn đã tổ chức 15 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 1.200 cán bộ làm công tác thông tin cơ sở tại 28 xã, thị trấn trên địa bàn. 

Tin cùng chuyên mục
Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận: Chăm lo đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ ngày thành lập đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã huy động các nguồn lực xã hội chăm lo dạy tốt, động viên học sinh thi đua học tốt. Nhiều học sinh tốt nghiệp từ Trường PTDTNT THPT Ninh Thuận tiếp tục học lên đại học, các bậc học cao hơn và trở thành cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh.