Tại huyện Văn Yên, Nghệ nhân dân gian Đặng Thị Thanh, Người có uy tín thôn 7 xã Châu Quế Thượng, là người duy nhất biết cách may trang phục ,làm nhạc cụ truyền thống của người Xa Phó như: sáo cúc kẹ, kèn Ma nhí; điệu múa xòe độc đáo của dân tộc Xa Phó được bà nhiệt tình hướng dẫn, truyền dạy cho những bạn trẻ trong thôn.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh chia sẻ: Hiện tại, đội văn nghệ của xã Châu Quế Thượng có 10 cháu, tôi đang dạy cho các cháu những làn điệu hát ru, thổi sáo mũi, những làn điệu xòe trong lễ mừng cơm mới của dân tộc Xa Phó…
Tương tự, là Người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở thôn Sài Lương, xã vùng cao An Lương, huyện Văn Chấn, “tỷ phú trồng quế” Giàng A Phử luôn là tấm gương để bà con học và làm theo. Với tính cần cù, chịu khó, hơn 30 năm qua, ông Phử gây dựng cho mình một trang trại trồng quế, quy mô nổi tiếng khắp vùng, với diện tích gần 20ha.
Hiện nay, gia đình ông đã có cả một rừng quế bạt ngàn, với những gốc quế to hàng chục năm tuổi. Từ việc tận thu cành lá, chặt tỉa cũng cho gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Phử còn vận động Nhân dân trong thôn ươm bầu, trồng quế giống; nhiều hộ gia đình trong thôn, xã đã có điều kiện làm nhà mới, mua sắm tiện nghi gia đình, phương tiện sản xuất. Điển hình như, gia đình ông Giàng A Sáu, Giàng A Nủ, Giàng A Khua...
Theo ông Phử, trước đây, bà con không biết làm ăn, không biết làm giàu cho gia đình, quanh năm chỉ trồng cây ngô, cây lúa. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, ông đã tuyên truyền bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó cây quế là một cây trồng mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
"Khi một vài hộ có nguồn thu từ cây quế rồi, thì nhiều hộ gia đình cũng bắt đầu trồng quế thay cho các cây trồng khác. Bây giờ, hầu như gia đình nào cũng có quế, hộ ít thì cũng một hai héc ta, hộ nhiều thì hàng chục ha. Từ cây quế, các gia đình có tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như xe máy, ti vi, một số còn mua được ô tô, máy cày ruộng…”, ông Phử vui nói.
Bà Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết: Thời gian qua đội ngũ Người uy tín trên địa bàn huyện đã luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Cùng với chính quyền địa phương, Người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết, không di dịch cư tự do cũng như không tham gia các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thực hiện tốt các quy ước, trực tiếp tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn liên quan đến gia đình, tranh chấp đất đai, an ninh trật tự thôn bản…
Được biết, tỉnh Yên Bái hiện có trên 1.000 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Phát huy tinh thần gương mẫu, những năm qua, những Người có uy tín không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước, mà còn là những hạt nhân trong phát triển kinh tế, là tấm gương cho con cháu và người dân học tập.