Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “sợi chỉ đỏ” trên đại ngàn Trường Sơn

Minh Thu - 17:18, 17/12/2020

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 995 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Bằng những việc làm cụ thể, những Người có uy tín đã và đang góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Già Ksor H’ BLâm trao đổi công tác với cán bộ Đồn BP Ia Mơr (BĐBP Gia Lai).
Già Ksor H’ BLâm trao đổi công tác với cán bộ Đồn BP Ia Mơr (BĐBP Gia Lai).

Già làng như “sợi chỉ đỏ”

 Nhiều năm nay, ông Đinh Keo, Người có uy tín làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai là người am hiểu và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở địa phương, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát đến hát dân ca, kể sử thi... Ông Đinh Keo chia sẻ: “Nếu không bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các thế hệ con cháu sau này sẽ bị “đứt” mạch nguồn văn hóa. Những già làng như chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đó bằng nhiều cách khác nhau, phải như “sợi chỉ đỏ” nối liền các thế hệ trong một mạch nguồn văn hóa”.

Hiện, ông Đinh Keo sưu tầm được 10 bộ chiêng. Ngoài ra, ông dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng; dạy 300 người trong làng múa xoang, tạc tượng gỗ, hát dân ca. Từ đây, học trò của ông được mời tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức, góp phần giữ gìn, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Ba Na.

Còn bà Ksor H’Blâm (SN 1945), dân tộc Gia Rai là nữ già làng, Người có uy tín đầu tiên ở làng Krong, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. 22 năm làm nữ già làng, Người có uy tín, bà Ksor H’Blâm luôn tâm huyết với việc làng, bởi vậy, đồng bào các dân tộc trong vùng tin tưởng tuyệt đối vai trò của già Ksor H’Blâm. Nhiều người trong làng được bà Ksor H’Blâm giúp đỡ, cho mượn bò, mượn tiền, mượn gạo những lúc khó khăn. Bà là chỗ dựa của họ, là niềm tin của những phận nghèo. Làm già làng, bà Ksor H’Blâm đã đứng ra hòa giải cho nhiều gia đình có mâu thuẫn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải thích cho đồng bào hiểu được tác hại của việc phá rừng để giữ rừng được tốt hơn...

Bà Ksor H’Blâm là người đã từng giữ lại 2 đứa trẻ sinh đôi mồ côi mẹ khi mới sinh ra. Bà là người phụ nữ Gia Rai dám vượt qua lệ làng từ cách đây nhiều thập kỷ. Già Ksor H’Blâm kể, ngày xưa việc sinh đôi được người khác đồn là ma quỷ nhập vào đứa trẻ, phải giết đi để không gây họa. Một bà mẹ sinh ra 2 đứa trẻ trong một bào thai được coi là điềm xấu. Bà Ksor H’Blâm kiên nhẫn giải thích cho làng, sinh đôi không đáng sợ và không đáng bị gán vào nhiều thứ quái gở như thế.

“Trong làng dù việc lớn, việc nhỏ, bộ đội biên phòng đều dựa vào già Ksor H’Blâm để tiếp cận với cộng đồng. Cách xử lý vụ việc của già H’Blâm mềm mại nhưng mạnh mẽ, nên việc khó mấy, có bà cũng giải quyết xong”, Thượng tá Đoàn Văn Khải, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr (BĐBP Gia Lai) khẳng định.

Phát huy vai trò Người có uy tín 

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 995 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận là bí quyết được các già làng, Người có uy tín trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt.

Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã chủ động, tích cực phối hợp với các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp đứng ra tổ chức gần 80 buổi tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tại các thôn làng; kêu gọi, tuyên truyền, vận động 1.321 lượt đối tượng cầm đầu, cốt cán tham gia hoạt động Fulro ra tự thú và tự khai báo về hành vi hoạt động phạm tội trước dân làng, cam kết từ bỏ hoạt động chống phá, không nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu.

Nhờ đó, hai năm gần đây, đời sống của đồng bào các DTTS ở Gia Lai đã có thay đổi vượt bậc, không còn xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến các hủ tục, tình hình chính trị ổn định, buôn làng bình yên.

Người có uy tín tỉnh Gia Lai trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS (Ảnh: TN)
Người có uy tín tỉnh Gia Lai trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động trong đồng bào DTTS (Ảnh: TN)

Với những nỗ lực và đóng góp to lớn của các già làng, Người có uy tín, đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai có bước phát triển tích cực; bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS luôn được duy trì và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên.

Thượng tá Rơ Mar Tuân, Chính ủy BĐBP Gia Lai chia sẻ: Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Gia Lai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” trong các phong trào ở địa phương. Họ chính là những “sợi chỉ đỏ” kết nối tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn huyền thoại. Bằng những việc làm cụ thể, Người có uy tín trở thành “cầu nối” giữa các cơ quan, ban, ngành với đồng bào DTTS, là tai mắt quan trọng trong thế trận an ninh Nhân dân, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.