Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Yên Bái: Giải quyết các vấn đề cấp thiết cho đồng bào DTTS từ các Chương trình MTQG

Văn Hoa - 15:48, 20/11/2024

Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đúng lộ trình các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các Chương trình đã góp phần quan trọng, giải quyết vấn đề cấp thiết trong đời sống dân sinh, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719 thăm quan mô hình trồng ca chua tại huyện Mù Cang Chải. Mô hình giúp tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương
Ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719 thăm quan mô hình trồng ca chua tại huyện Mù Cang Chải. Mô hình giúp tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương

Giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp

Thôn Tà Canh, xã Lao Chải, huyện Mù Căng Chải là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước đây, thôn Tà Canh có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, kinh tế chủ yếu là làm nương, rẫy, không có việc làm ổn định nên có nhiều hộ đói, nghèo; đường đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất; không có điểm trường mầm non tại thôn, các cháu phải học ở điểm trường chính của xã, cách thôn hàng cây số, trẻ em chủ yếu đi bộ nên tỷ lệ đi học rất ít, không đều, một số phải ở nhà vì gia đình nghèo; nhiều hộ nghèo phải ở trong căn nhà tạm, nhà dột nát…

Đến nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo thôn đã đổi thay trông thấy. Thôn Tà Canh có 83 hộ dân, 401 nhân khẩu, hiện nay chỉ còn hơn 40 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều). Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, Nhà nước xây dựng điểm trường tại thôn nên hầu như trẻ em đi học đúng tuổi, tỷ lệ học sinh đi học cấp Tiểu học là 100%, không còn trẻ nào ở nhà; nhiều hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Là một trong 9 hộ nghèo ở thôn Tà Canh được hỗ trợ xây mới nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) năm 2022-2023, gia đình ông Vàng A Say, khu Háng Chú, bản Dào Xa, xã Kim Nọi được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Có được nguồn vốn trên, gia đình ông Say đã tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có như gỗ, tấm lợp, huy động thêm anh em họ hàng, làng xóm để giảm chi phí, tập trung nguồn lực xây dựng ngôi nhà.

Anh Say cười vui, trước kia khổ quá, nhà nghèo nên làm mãi chẳng có tiền xây nhà, nay được Nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà mới, vợ chồng anh mừng lắm. Gia đình anh sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ngoài được hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống
Ngoài được hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo còn được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống

Tương tự, gia đình bà Lý Thị Xày ở bản Chế Cu Nha, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải là hộ nghèo nhiều năm, sống trong ngôi nhà xuống cấp tạm bợ. Năm nay, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng nhà mới khang trang để ở, giúp bà ổn định cuộc sống.

Bà Xày cười vui, trước đây gia đình tôi rất khó khăn chỉ ở trong ngôi nhà tạm bợ, đã xuống cấp. Năm nay được Đảng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giúp gia đình làm nhà mới để ở, tôi vui và phấn khởi lắm. Giờ có nhà mới để ở, gia đình tôi sẽ cố gắng vận động các con tích cực phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Ông Khang A Hùa, Trưởng thôn Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, cho biết, thôn có 155 hộ dân, 794 nhân khẩu, đông nhất xã. Thôn có 85 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Để người nghèo giảm chi phí trong xây dựng nhà ở, xã Chế Cu Nha đã giao Hội Liên hiệp phụ nữ xã giúp đỡ các hộ gia đình về ngày công đào nền nhà, vận chuyển vật liệu từ đường chính vào nhà. Ngoài ra, anh em họ hàng, thôn xóm cũng đến giúp đỡ cho các hộ gia đình, qua đó các hộ giảm được nhiều chi phí, dồn tiền mua vật liệu xây dựng được nhà ở mới khang trang hơn.

Ngoài các gia đình nêu trên, huyện Mù Cang Chải còn có hàng ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà từ nguồn vốn các Chương trình MTQG và huy động từ các nguồn lực xã hội. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo còn được quan tâm hỗ trợ sinh kế như trâu, bò, lợn, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ xi măng làm đường, cầu cống, hỗ trợ nước sinh hoạt, miễn giảm học phí cho các cháu đi học… Nhờ đó, cuộc sống của bà con đã khấm khá hơn, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS cũng vì thế mà đổi thay rõ rệt.

Huy động tối đa nguồn lực

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, năm 2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Đề án chủ trương thực hiện lồng ghép các nguồn lực thuộc các Chương trình MTQG, nguồn lực ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa để triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ, với mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh không còn hộ nghèo có nhà ở dột nát, xuống cấp, không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nhà ở theo quy định.

Diện mạo vùng DTTS tỉnh Yên Bái ngày một khang trang hơn
Diện mạo vùng đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái ngày một khang trang hơn

Theo đó, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.022 nhà. Mức hỗ trợ làm nhà của tỉnh Yên Bái cao hơn mức hỗ trợ từ Trung ương. Đến hết năm 2023, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đã khởi công xây dựng và hoàn thành 1.598/1.598 nhà (làm mới 1.305 nhà, sửa chữa 293 nhà), đạt 100% kế hoạch đề ra, với tổng kinh phí là 78.905 triệu đồng. 

Dự kiến kết thúc năm 2024, toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.424 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở (đạt 100% kế hoạch). Đặc biệt, tỉnh đã kịp thời hỗ trợ trên 1.200 gia đình có nhà bị sập, trôi, đổ hoàn toàn và hư hỏng nặng do ảnh hưởng bão số 3 (Yagi).

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho gần 20.000 lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm cho trên 22.000 lao động; chuyển dịch gần 8.000 lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Giai đoạn 2019 - 2024, đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 111.690 người, trong đó có hơn 81.500 người vùng đồng bào DTTS, tỷ lệ người DTTS qua đào tạo chiếm 42,3%. Giải quyết việc làm cho 109.664 người, trong đó có 67.992 người vùng đồng bào DTTS, chiếm 62%. Chuyển dịch 35.053 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, trong đó hơn 26.100 lao động thuộc vùng đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 74,7%.

Thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG và các chính sách, dự án giảm nghèo, giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 3,65%/năm. 

Cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16% (giảm 8,91% so với năm 2021). Tỷ lệ hộ nghèo DTTS so với tổng số hộ DTTS từ 30,36% cuối năm 2021 xuống còn 16,4% cuối năm 2023, giảm bình quân 6,98%/năm. Ước năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 5%. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,45%.

Tin cùng chuyên mục
Lai Châu: Đặc sắc nghệ thuật sáng tạo trên trang phục truyền thống của dân tộc Mảng ở Nậm Nhùn

Lai Châu: Đặc sắc nghệ thuật sáng tạo trên trang phục truyền thống của dân tộc Mảng ở Nậm Nhùn

Đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) có trên 6.000 người người sinh sống tập trung ở 15 bản tại 5 xã. Bên cạnh giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống như tiếng nói, lễ hội, dân ca, dân vũ..., thì bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mảng cũng là một di sản văn hóa đặc sắc, trong đó, nghệ thuật tạo hình trên trang phục chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của dân tộc. Việc bảo tồn phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Mảng đang được các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành chú trọng bảo tồn bằng nhiều giải pháp thiết thực...