Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái: Quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ Người có uy tín

Văn Hoa - 11:17, 25/10/2024

Những năm qua, tỉnh Yên bái đặc biệt quan tâm đến thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn, trong đó chú trọng thực hiện tốt các chính sách dành cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là lực lượng "cầu nối" quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân ở cơ sở; là lực lượng tiên phong thực hiện các phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm gương cho người dân noi theo.

Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Yên Bái thăm quan, chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Yên Bái thăm quan, chụp ảnh lưu niệm tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nâng cao năng lực cho đội ngũ Người có uy tín

Tháng 10 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái tổ chức cho Đoàn đại biểu, đại diện lực lượng cốt cán và Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Hà Nội, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Phạm Ngọc Khang, dân tộc Tày, sinh năm 1955, là Người có uy tín thôn 5, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên. Ông Khang bày tỏ, trước kia ông công tác ở Công an tỉnh Yên Bái, sau khi nghỉ hưu về địa phương và được Nhân dân tin tưởng bình chọn là Người có uy tín từ 2 năm nay.

Ông Khang cho biết, trong suốt hơn 2 năm qua, với cương vị là Người có uy tín, ông thường xuyên được tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương tổ chức; từ đó giúp ông có thêm năng lực trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đặc biệt, trong những chuyến tham gia học tập thực tế tại Hà Nội và Hà Tĩnh cũng giúp ích cho ông rất nhiều trên cương vị của mình.

Theo ông Khang, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã khéo léo thiết kế 1 chương trình đi trải nghiệm, học tập rất bổ ích. Đoàn đã đi thực tế ở vùng nông thôn, vùng làng nghề có các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất, kinh nghiệm tuyên truyền vận động quần chúng Nhân dân, để từ đó trở về áp dụng cho chính quê hương của mình.

Ông Hoàng Đinh Lực, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn 13, xã Động Quan, huyện Lục Yên bày tỏ, trong chuyến thăm quan Hà Nội, Ninh Bình, Huế cuối tháng 10 vừa rồi, bản thân ông và Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Yên Bái đã có những trải nghiệm rất đặc biệt và học hỏi được nhiều điều.

Đoàn đã đi thăm quan, học tập tại nhiều mô hình phát triển kinh tế tại vùng DTTS ở Huế, Ninh Bình và Hà Nội. Trong đó, ông ấn tượng nhất là mô hình bảo tồn nghề truyền thống mây tre đan của Hợp tác xã Bao La (thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), tạo được công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con Nhân dân trong vùng. Hay như mô hình trồng dưa lưới tại Ninh Bình được trồng trong nhà kính với một chu trình khép kín rất hiện đại…

Đặc biệt, tại Hà Nội, Đoàn đã tới thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tại đây, ông rất ấn tượng với mô hình nhà sàn của người dân tộc Tày. Ông cảm thấy rất vui và tự hào khi ở giữa lòng thủ đô Hà Nội, cũng thấy được giá trị văn hóa trong kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc mình.

Ông Hoàng Đinh Lực (bên trái) chụp ảnh lưu niệm tại Cố đô Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Hoàng Đinh Lực (bên trái) chụp ảnh lưu niệm tại Cố đô Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tạo động lực để Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình

Theo ông Đỗ Quang Vịnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, nhằm nâng cao năng lực trong công tác tuyên truyền, vận động cũng như tạo động lực để Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy tốt vai trò của mình, năm 2024, Ban dân tộc tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, đặc biệt là tổ chức 3 đoàn Người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc.

Cụ thể, Đoàn 1, gồm 55 người, trong đó có 50 đại biểu Người có uy tín thuộc các huyện: Lục Yên, Trạm Tấu, Trấn Yên đi tham quan học tập tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, Huế trong thời gian 8 ngày (không kể ngày đi và về).

HTX Mây tre đan Bao La (Huế) thu hút được đông dảo du khách thăm quan, trải nghiệm, là một địa chỉ để Người có uy tín học tập kinh nghiệm trong việc giữ gìn nghề truyền thống
HTX Mây tre đan Bao La (Huế) thu hút được đông dảo du khách thăm quan, trải nghiệm, là một địa chỉ để Người có uy tín học tập kinh nghiệm trong việc giữ gìn nghề truyền thống

Đoàn 2 gồm 55 người, trong đó có 50 đại biểu Người có uy tín các huyện: Văn Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh trong thời gian 05 ngày (không kể ngày đi và về).

Đoàn 3 gồm 55 người, trong đó 50 đại biểu Người có uy tín thuộc huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đi tham  quan học tập tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh trong khoảng thời gian 5 ngày (không kể ngày đi và về).

Qua chuyến đi, Người uy tín trong đồng bào DTTS đã học hỏi được những kinh nghiệm quý báu trong phát triển kinh tế, tuyên truyền vận động Nhân dân, đặc biệt là trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

“Qua các buổi tham quan, học tập, Người có uy tín được giao lưu, học hỏi, bổ sung thêm các thông tin, kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương...”, ông Đỗ Quang Vịnh cho hay.