Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ý nghĩa hoa văn trên trang phục dân tộc Lào

Nguyệt Anh (T/h) - 17:00, 05/05/2022

Từ xa xưa, nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam đã phát triển và vẫn được duy trì, bảo tồn cho đến hôm nay. Đặc biệt, hoa văn trên vải thổ cẩm Lào thể hiện những giá trị văn hóa biểu trưng trong đời sống lao động và sinh hoạt của đồng bào.

Phụ nữ dân tộc Lào (Lai Châu) trong trang phục truyền thống (Ảnh tư liệu)
Phụ nữ dân tộc Lào (Lai Châu) trong trang phục truyền thống (Ảnh tư liệu)

Người Lào (dân tộc Lào) là 1 trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Người Lào còn có tên gọi là Thay, Thay Duổn, Thay Nguồn, Phu Thay, Phu Lào, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (hệ ngôn ngữ Thai - Ka Đai) ở Việt Nam.

Người Lào ở Việt Nam có hai nhóm địa phương là Lào Bốc (Lào Cạn) và Lào Nọi (Lào Nhỏ). Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số công bố vào năm 2019, người Lào có 17.532 người, cư trú tập trung tại các huyện Điện Biên, Phong Thổ (tỉnh Điện Biên), huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La), huyện Bình Lư (Lai Châu), Than Uyên (tỉnh Lào Cai).

Phụ nữ Lào nổi tiếng là những người dệt vải khéo tay. Theo truyền thống, trang phục phụ nữ Lào mặc đều do phụ nữ tự thu bông, kéo tằm, nhuộm vải, dệt và phải tự thêu hoa văn theo hoa tay của mình. Để hoàn thành một bộ trang phục gồm: váy, áo, khăn trước ngực, khăn đội đầu phải mất ít nhất 2 tháng vì những trang phục ấy phải tự tay làm hoàn toàn.

Trang phục truyền thống của dân tộc Lào ở Lai Châu
Trang phục truyền thống của dân tộc Lào ở Lai Châu

Theo truyền thống, phụ nữ Lào mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều hoa văn sặc sỡ. Kiểu áo cánh ngắn bó thân với hàng khuy bạc phổ biến ở vùng Sông Mã (Sơn La). 

Ở vùng Điện Biên, phụ nữ Lào mặc áo giống với áo của người Khơ Mú, đó là chiếc áo dài tay, lửng trước ngực với hàng khuy bạc. Trước ngực được quàng chéo chiếc khăn “phạ biềng”. Để tôn thêm dáng vóc thon thả, phụ nữ Lào thắt thêm chiếc dây thắt lưng bằng đồng hay bằng bạc gọi là “khiểm khắt” và quấn trên đầu chiếc khăn “phạ phe”.

Cô gái Lào chưa chồng thường búi tóc lệch về bên trái. Phụ nữ Lào dùng khăn fải biêng. Khi không đội khăn, phụ nữ Lào thích cài nhiều trâm bạc và búi tóc. Phụ nữ đeo nhiều vòng ở cổ tay, xăm hình một loại cây rau ở mu bàn tay.

Hiện nay, phụ nữ Lào cũng cách tân trong trang phục của mình. Thay vì phải ngồi khung cửi dệt vải hàng giờ đồng hồ, thêu từng đường kim mũi chỉ, kéo sợi tằm, nhuộm vải đến vài tháng, họ lại thay đổi bằng những bộ trang phục có màu sắc rực rỡ, may đo theo hình tiết hoa văn của dân tộc Kinh. Người Lào cách tân từ mặc váy màu đen truyền thống sang những chiếc váy đủ màu sắc, may các loại hoa văn theo yêu cầu người sử dụng. Áo cũng được cách tân từ chiếc áo dài tay ngắn giữa ngực chuyển đổi thành chiếc áo dài qua eo phần đuôi bồng bềnh thiết kế theo thời thượng.

Phụ nữ dân tộc Lào trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Phụ nữ dân tộc Lào trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Người Lào thường dệt rất nhiều loại hoa văn, nhưng phổ biến nhất là hoa văn hình rồng cổ đỏ, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, em gái biến thành chim và hình người cưỡi voi, hoa văn hình voi - con vật biểu tượng của đất nước Lào. Ngoài ra, tùy hoa tay từng người mà họ sáng tạo ra nhiều hoa văn mô tả các loại hoa lá trong tự nhiên.

Mỗi loại hoa văn này đều gắn với một sự tích khác nhau, có ý nghĩa giáo dục và thể hiện một phần tín ngưỡng, quan niệm về cuộc sống của người Lào. Với hoa văn đôi rắn quấn vào nhau xuất phát từ quan niệm: ai may mắn mới thấy đôi rắn quấn nhau. Nếu thấy vậy thì cởi áo ra, ném vào đôi rắn và đợi chúng bỏ đi thì lấy áo mang về cất vào hòm. Khi nào con cháu trong gia đình đến tuổi tìm vợ cho mặc áo này sẽ lấy được người mình yêu, vợ chồng sau này sẽ hạnh phúc. Người đi buôn bán mang theo áo này cũng rất may. Vì vậy, người Lào dệt hoa văn con rắn trên chân váy để cầu mong may mắn.

Hoa văn hình hổ thể hiện sức mạnh của con người, khi thấy hổ chết phải lấy vải trắng phủ lên và khóc than thương tiếc. Người lào dệt hoa văn con hổ để nhớ và để nhắc con cái không được giết hổ, nếu giết hổ sẽ khổ 3 đời.

Phụ nữ dân tộc Lào tỉnh Sơn La vui múa tại làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Phụ nữ dân tộc Lào tỉnh Sơn La vui múa tại làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

Đặc biệt, người Lào rất thích dệt hoa văn hình voi có người cưỡi… Mô típ này gắn với truyền thuyết kể rằng: Xưa có một người phụ nữ đang làm nương. Cô rất khát nước nên đã quyết định uống nước từ một cái hố nhỏ được tạo nên từ vết chân voi. Cô mang thai và sinh một bé trai kháu khỉnh. Khi lớn lên, cậu bé luôn bị các bạn trong làng trêu chọc vì không có cha. Rồi một ngày cậu nghe theo lời mẹ vào rừng sâu tìm cha, và rồi cậu đã nhìn thấy một con voi. Cậu hỏi voi có phải là cha mình không. Voi trả lời rằng: “Nếu là con ta thì cậu phải trèo qua vòi, lên đầu và cưỡi được lên lưng ta. Cậu bé đã làm được điều đó. Người Lào dệt hoa văn này để nhắc nhở mọi người đi rừng, đi nương không nên uống nước ở những vũng nhỏ.

Gian hàng thổ cẩm Lào của HTX dệt Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)
Gian hàng thổ cẩm Lào của HTX dệt Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên)

Ngày nay, những người phụ nữ vẫn đang dệt vải và trao truyền kinh nghiệm lại cho các con gái. Một số mô típ hoa văn mới ra đời nhưng những hoa văn truyền thống của dân tộc Lào vẫn được ưa chuộng và xuất hiện nhiều nhất trên bộ nữ phục.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.