Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khăn piêu - vật bất ly thân của phụ nữ Thái

Lam Anh (t/h) - 13:41, 16/03/2022

Khăn piêu là sự kết hợp độc đáo, hài hòa và khéo léo giữa màu sắc và hóa văn. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của nắng sớm, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm. Mỗi một họa tiết, hoa văn đều thể hiện thông điệp ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh. Khăn piêu còn là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, phẩm hạnh và sự đảm đang của phụ nữ Thái.

Khăn piêu vật bất ly thân của phụ nữ thái (ảnh: Vũ Lợi)
Khăn piêu vật bất ly thân của phụ nữ thái (ảnh: Vũ Lợi)

Piêu trong tiếng Thái ở có nghĩa là khăn đội đầu. Piêu được người Thái ở đây sử dụng suốt bốn mùa. (Chủ yếu là người Thái đen sử dụng). Piêu không chỉ để giữ ấm đầu trong mùa đông mà còn để che mưa, che nắng trong những ngày hè. 

Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành, người con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình. Đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được các cô gái Thái làm thành thạo, mỗi cô gái phải tự tay làm khăn piêu để chuẩn bị đi lấy chồng, khăn piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu.

Piêu được cắt từ một sải vải trắng nguyên khổ dệt từ sợi bông. Vải được chọn làm piêu là những tấm vải sợi nhỏ, đều, mặt vải mịn màng. Từ tấm vải trắng mới dệt xong, họ cắt rời thành từng chiếc piêu rồi đem nhuộm chàm. Những chiếc piêu thường có độ dài khoảng 150cm, rộng từ 30cm đến 40cm. Để những chiếc piêu có được màu đen ngả tím than, sau khi nhuộm chàm xong, người ta nhúng khăn vào nước vỏ cây hoa ban hoặc nước củ nâu. Công việc này gọi là láng. Chiếc khăn đã qua bước láng sẽ bền màu hơn và có được màu sắc lý tưởng của chiếc khăn piêu.

Các họa tiết trên khăn piêu thường được thêu rất cầu kỳ (ảnh: Vũ Lợi)
Các họa tiết trên khăn piêu thường được thêu rất cầu kỳ (ảnh: Vũ Lợi)

Người phụ nữ Thái thường sử dụng piêu có trang trí hoa văn ở hai đầu khăn. Các hoa văn trang trí ở hai đầu khăn được người phụ nữ thêu bằng chỉ màu. Chỉ để thêu được làm bằng sợi tơ tằm nhuộm nhiều màu khác nhau như màu xanh lá cây, đỏ tươi hay đỏ sẫm, màu tím, màu vàng hay màu hồng, màu trắng. Muốn có chiếc piêu đẹp phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật của người thêu. 

Nguyên tắc thêu piêu là luồn sợi chỉ màu đan vào nền vải đen, gọi là xéo. Khi thêu khăn, người phụ nữ thường bắt đầu từ mảng hoa văn chủ đạo ở giữa đồ án rồi mới thêu dần ra xung quanh. Phụ nữ Thái thêu khăn từ mặt trái của khăn, khi hoàn thành sắc độ của mặt trái sẽ nhạt hơn mặt phải. Hoa văn khăn piêu vô cùng phong phú nhưng không gây cảm giác rối mắt mà trang trí theo những hàng, lớp và có quy luật nhất định. Nguyên tắc chủ đạo của phong cách trang trí hoa văn khăn piêu là nguyên tắc đối xứng.

Piêu của người Thái được trang trí với phong cách nghệ thuật thêu thoáng. Hoa văn piêu thường được bố cục bởi những đoạn thẳng cặp ba (tín xáo) chạy song song (cứ ba đoạn thẳng cách đều nhau tạo thành một tuyến, chia diện tích ở đầu piêu thành những bộ phận đều hoặc đối xứng nhau qua trục dọc của toàn bộ khăn). Trên một chiếc piêu cụ thể, đồ án hoa văn trang trí được chia thành những khu vực đều nhau. Đó là sáu hình chữ nhật được tạo bởi sáu cặp đường thẳng kiểu bộ ba. Bốn cặp đường thẳng chạy từ hai mép khăn theo chiều ngang với độ dài một phần ba mép khăn. Hai cặp ba còn lại chạy từ mép đầu khăn theo chiều dọc của khăn vào giữa. Ở mỗi đoạn thẳng song song trong các bộ cặp ba đó có hai sợi chỉ màu chạy sát hai bên. Hai góc phía cuối đầu khăn thêu hai hình hoa văn chữ thập.

Hoa văn trang trí trên piêu có các loại: thông dụng và phổ biến nhất là hoa văn móc câu, dùng để trang trí trong các khoang ô vuông đồng tâm; hoa văn hình răng cưa, được ghép bằng cách nối hai góc của nhiều tam giác nối tiếp nhau, dùng để trang trí đường diềm vành ô vuông ngoài cùng. Hoa văn hình tam giác còn được vận dụng ở nhiều cách trang trí khác nhau: hai hình tam giác đối đỉnh nhau tạo thành hoa văn rau cỏ bợ (phắc ven), hai hình tam giác đối cạnh nhau tạo thành hoa văn hình quả trám (mák cưởm),... Những hoa văn do hình tam giác tạo nên thường được trang trí ở vành ô vuông xen với các vành hoa văn khác. Cũng có khi những hoa văn hình tam giác này được dùng để trang trí chủ đạo cho khăn piêu.

Ngoài các hoa văn trên, còn có: hoa văn đồng tiền vuông thủng giữa, thường được dùng trang trí ở vành ngoài nêm piêu (chim piêu); hoa văn hình sao 6 cánh hoặc 8 cánh với nhiều biến dạng khác nhau được gọi là hoa văn hoa bí, thêu bằng chỉ màu trắng; hoa văn hình sao (boók ứk) thường được trang trí ở trung tâm, hoặc trang trí điểm xuyết vào khoảng giữa; hoa văn kén tằm (lót bổng) thường dùng trang trí ở vành nêm piêu và xen kẽ với các băng hoa văn móc câu.

Hoa văn trạc cây cũng được sử dụng trang trí nhiều ở khăn piêu. Hình họa của hoa văn này bao gồm một thân cây ở giữa, các cặp cành cây mọc đối xứng hai bên. Ở phần chót của cành cây thường là các hình hoa hoặc hình quả được cấu tạo từ hình trám hay ô vuông nhỏ.

Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái thường dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền theo nép khăn và đính cút piêu vừa để trang trí khăn piêu đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi ma tà.
Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái thường dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền theo nép khăn và đính cút piêu vừa để trang trí khăn piêu đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi ma tà.

Ngoài ra piêu còn được trang trí bằng cóp piêu, hu piêu và cút piêu. Cóp piêu là dải vải màu (thường là vải màu đỏ) dùng viền thêm vào cạnh bốn góc vuông ở hai đầu khăn. Cóp piêu có độ dài chỉ vừa bằng chiều dài đồ án hoa văn. Khi viền đến các góc vuông ở đầu khăn, người ta chừa một phần dải vải cóp piêu để tết thành tai piêu (hu piêu). Tai piêu trông tựa một bông hoa ba cánh tròn xòe ra từ đỉnh góc vuông ở đầu khăn. Một số người còn thích đính thêm những túm chỉ màu vài tai piêu làm tua thêm sặc sỡ.

Trên nền cóp piêu chị em đính thêm các chùm cút piêu. Số lượng chùm cút piêu nhiều hay ít tùy thuộc vào sở thích người thêu khăn. Nhưng số lượng cút piêu trong một chùm lại do mục đích làm khăn piêu quy định. Những chiếc khăn dành tặng nhà chồng có số lượng cút nhiều hơn chiếc piêu dùng thường ngày. Thông thường, số cút piêu để dùng chỉ có hai hay ba cút, còn khăn để làm tặng phẩm thì số lượng cút piêu phải có từ ba trở lên. Chính vì thế dân gian Thái có câu: “Piêu ba cút dành bác, bá/ Piêu năm cút để tặng thím chồng”.

Không chỉ gắn bó với cuộc sống thường ngày, bình dị của người dân, chiếc khăn piêu còn là “tín vật”, minh chứng đặc biệt cho tình yêu đôi lứa. Khi xưa, vào những dịp lễ hội, khi cô gái tung còn, chàng trai nào bắt được phải đền cho cô một hoặc hai đôi vòng bạc. Còn khi chàng trai ném còn mà cô gái không bắt được phải đem khăn piêu ra tặng chàng trai. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước, rồi yêu nhau. Nếu cô gái không yêu chàng trai thì có thể đem vật khác đến xin lại chiếc khăn của mình.

Ngày nay, chiếc khăn piêu không chỉ là vật dụng quen thuộc của đồng bào dân tộc Thái đen, mà còn trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Tây Bắc thân yêu.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.