Theo Tổng cục Thống kê, dù kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn, song tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, vẫn giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, KNXK hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng KNXK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Gạo chính là một trong những mặt hàng xuất khẩu đang có nhiều tín hiệu vui trên thị trường. Cuối tháng 5 vừa qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 490 - 495 USD/tấn, cao hơn so với mức 485 - 495 USD/tấn vào tuần trước. Đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam đó là gạo 5% tấm của Thái Lan, trong tuần này được niêm yết ở mức giá cao hơn 5 USD/tấn so với gạo Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong thời gian vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi gia tăng cả về khối lượng và trị giá. Đặc biệt là trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu luôn ở mức cao, vượt cả giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.
Có được tín hiệu tích cực này là có sự vào cuộc của các bộ, ngành đã có sự hỗ trợ các doanh nghiệp để chuyển đổi gạo xuất khẩu sang gạo từ phẩm cấp thấp và trung bình sang chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ… Đây là nguyên nhân chính giúp giá xuất khẩu tăng cao và giúp gạo Việt Nam giữ vững được vị thế xuất khẩu.
Ngoài mặt hàng gạo có nhiều khởi sắc, trong 5 tháng đầu năm 2023 có 23 mặt hàng đạt KNXK trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng KNXK (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,79 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,37 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,31 tỷ USD, tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 7,8%. So với cùng kỳ năm trước, KNNK hàng hóa tháng Năm giảm 18,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 24,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, KNNK hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,06 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.