Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cụ Thống kê (TCTK), ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%) so với năm trước, do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021, nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019. Chỉ số CPI tăng 3,15%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 6,14%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,83%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 26,38%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
"Ngành Nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành Lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03%. Ngành Thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12%”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Ngành Bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97%; ngành Vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69%; ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ, với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53%; ngành Thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5%. Riêng ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13% do dịch COVID-19 đã được kiểm soát.
Theo đánh giá của TCTK, so sánh với Trung Quốc và một số quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Dữ liệu do Financial Times thu thập từ các nguồn thống kê chính thức và từ Refinitiv cho thấy, trong tháng 9 vừa qua, lạm phát ở Việt Nam là 4%, so với mức 2,8% ở Trung Quốc; 6% ở Indonesia; 6,4% ở Thái Lan và 7,5% ở Singapore.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12/2022 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).
Theo đại diện TCTK, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.