Giá xuất khẩu nông sản tăng mạnh
Gia đình ông Y Drin Niê, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có hơn 1ha trồng xen canh sầu riêng, cà phê và hồ tiêu. Năm ngoái sầu riêng trúng giá và sau đó đến cơn sốt giá cà phê.
“Từ đầu tháng 5 đến nay giá hồ tiêu liên tục tăng khiến bà con ở đây rất vui. Trước đợt nghỉ lễ 30/4, giá tiêu chỉ mới 96.000 - 97.000 đồng/kg thì hiện tại đã lên tới trên 110.000 đồng/kg”, ông Y Drin Niê chia sẻ.
“Thời tiết bất lợi, khiến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và các nước đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu hạn chế, nhu cầu tăng và giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta có sự chủ động ứng phó và bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Điều này tạo điều kiện giúp Việt Nam duy trì sản lượng tốt để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thế giới”.
Ông Nguyễn Như CườngCục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT.
Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, hiện, giá hồ tiêu phổ biến mức 111.000 - 112.000 đồng/kg (tăng đến 30.000 đồng/kg so với đầu năm nay và cũng là mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây). Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt gần 84.000 tấn, kim ngạch đạt 353 triệu USD (tăng 11,5% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2023). Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so cùng kỳ năm 2023.
Trong nhóm ngành nông lâm sản, mặt hàng cao su cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và giá. Trong quý I/2024, xuất khẩu cao su của VN đạt trên 414.000 tấn, trị giá hơn 607 triệu USD (tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so cùng kỳ năm 2023). Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.487 USD/tấn, tăng 6,9%.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so năm 2023. Ở chiều ngược lại, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng đến 3%.
Cùng với hồ tiêu, cà phê, cao su, quả dừa hiện cũng đang trong danh mục trái cây xuất khẩu triển vọng. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), quá trình đàm phán kỹ thuật cho trái dừa tươi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đến nay cơ bản đã hoàn tất. Hiện tại chỉ chờ các cấp lãnh đạo chính thức ký kết Nghị định thư để hoạt động xuất khẩu chính thức bắt đầu. Việc ký kết Nghị định thư sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho trái dừa tươi của Việt Nam ở thị trường quan trọng này”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết
Còn đối với gạo, theo số liệu của ngành chức năng, 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 3,23 triệu tấn gạo các loại, tăng gần 12% về lượng và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so cùng kỳ năm 2023.
Một tin vui nữa đến với xuất khẩu nông sản Việt Nam khi mới đây, ngành rau quả đón nhận một “tân binh” là mặt hàng củ sen khi tỉnh Đồng Tháp hoàn tất việc xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông sang thị trường Nhật Bản. Sau lô hàng đầu tiên này, dự kiến đối tác Nhật Bản sẽ nhập thêm 8 container với tổng trị giá khoảng 7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay nhu cầu tiêu thụ củ sen tại thị trường Nhật khoảng 100.000 tấn/năm, trong khi Trung Quốc lên đến 2 triệu tấn/năm.
Duy trì sản lượng tốt để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thế giới
Theo nhận định của đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nắng nóng dẫn đến khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chúng ta có sự chủ động ứng phó nên không bị bất ngờ, thiệt hại nặng. Mặt khác, tình trạng El Nino cường độ khá mạnh đã được dự báo sớm, nên ngay từ giữa năm 2023, Cục Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT xây dựng các kế hoạch ứng phó, điều chỉnh lịch thời vụ để né hạn mặn. Đến thời điểm này, vụ lúa Đông Xuân đã thu hoạch xong và cơ bản không bị ảnh hưởng, thiệt hại. Một phần nhỏ vụ Hè Thu nằm ngoài kế hoạch sản xuất chung nên bị ảnh hưởng, số lượng không đáng kể.
Tuy nhiên, Cục Trồng trọt cũng đang rà soát lại tình hình thiệt hại và lên kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. Năm 2024 cơ bản diện tích sản xuất khoảng 7,09 triệu ha, sản lượng ước đạt 43 triệu tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực và lượng gạo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.
Đối với những loại cây trồng khác, đặc biệt là cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu, giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm cũng là lúc cây đang ra hoa, kết quả nên sản lượng năm nay có thể bị ảnh hưởng đáng kể, một số vườn bị thiệt hại nặng. Các cơ quan chuyên môn địa phương cũng đang rà soát để nắm tình hình và triển khai các giải pháp phù hợp.
“Thời tiết bất lợi, khiến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và các nước đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu hạn chế, nhu cầu tăng và giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta có sự chủ động ứng phó và bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Điều này tạo điều kiện giúp Việt Nam duy trì sản lượng tốt để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thế giới”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT nhận định.
Theo nhận định của đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nắng nóng dẫn đến khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, chúng ta có sự chủ động ứng phó nên không bị bất ngờ, thiệt hại nặng. Mặt khác, tình trạng El Nino cường độ khá mạnh đã được dự báo sớm, nên ngay từ giữa năm 2023, Cục Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT xây dựng các kế hoạch ứng phó, điều chỉnh lịch thời vụ để né hạn mặn.