Tại cuộc Họp báo, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành dệt may vẫn khá khả quan.
Cụ thể, từ cuối năm ngoái, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 39 tỷ USD. Bước sang năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dựa theo kế hoạch ban đầu của ngành đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt mức cao nhất từ 38 - 38,5 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD, bằng với mục tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2020, thậm chí là cao hơn so với kịch bản tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.
Về tình hình thị trường dệt may năm 2022, đại diện VITAS dự báo, tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trên cơ sở đó, VITAS cũng xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản: Kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch XK 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm; kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Ông Trương Văn Cẩm cũng nhấn mạnh: Hiệp hội tiếp tục đồng hành cùng danh nghiệp (DN) dệt may vượt qua trở ngại không hề nhỏ đã được dự báo cho năm 2022. Hiệp hội đã và sẽ thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước với nhau và với các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may, kết nối các DN với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, Hiệp hội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…, Đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho DN, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.
Riêng về chiến lược phát triển cho ngành, ông Trương Văn Cẩm thông tin, Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các nội dung quan trọng để xây dựng định hướng phát triển phù hợp cho ngành. Nhất là trong việc phát triển cho được nguồn nguyên phụ liệu. “Kỳ vọng cuối năm 2021 chiến lược này sẽ được Chính phủ phê duyệt”, đại diện VITAS cho hay.
Hội nghị tổng kết của Hiệp hội Dệt may Việt Nam năm 2021sẽ được tổ chức vào ngày 17/12/2021, dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.
Đây là sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của Hiệp hội trong năm 2021 và chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà DN hội viên và Hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Đồng thời Hội nghị cũng sẽ diễn ra Hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến DN và người lao động của ngành dệt may; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch COVID-19.
Song song đó, sẽ có hội thảo đối thoại giữa các bên đại diện quản lý Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp dệt may, công đoàn, nhãn hàng và đại diện tổ chức quốc tế.