Tuyên Quang với 22 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, dân tộc đều có kho tàng truyện cổ tạo nên nét văn hóa riêng. Truyện kể đến ngày nay phần lớn là qua truyền miệng, qua trí nhớ của các già làng, người cao tuổi.
Đến với Chiêm Hóa, mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Các già làng, trưởng bản, nghệ nhân người Tày, Dao như ông Hà Thuấn ở xã Tân An; ông Bàn Công Hiến ở xã Yên Nguyên là kho tư liệu sống về các tích truyện: “Sự tích đèo Nàng”, “Vua cóc”, “Cây lá dong đỏ”, “Vợ chồng nhà họ Lý”; sự tích thác Bản Ba...
Đến với Na Hang có “Sự tích đèo Cổ Yểng”, “Sự tích hoa Phặc Phiền”, “Vua Cóc”, “Vua Quạ”… Hay đến với mảnh đất Lâm Bình, người dân vẫn truyền miệng về “Sự tích thác Tin Tốc”, “Nguồn gốc nghề dệt ở Lăng Can”, “Sự tích 99 ngọn núi Thượng Lâm”…
Những câu chuyện cổ vốn lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, vì vậy, việc lưu giữ chúng đang đứng trước nhiều thử thách và dần có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng đó, một số nhà văn hóa dân gian, nhà văn trên địa bàn tỉnh dày công sưu tầm. Tiêu biểu là nhà văn Phù Ninh, Ma Văn Đức, Tống Đại Hồng (TP. Tuyên Quang); nghệ nhân Hà Thuấn và ông Nguyễn Đôn, xã Tân An (Chiêm Hóa); ông Bàn Công Hiến, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)...
Ông Nguyễn Đôn, xã Tân An (Chiêm Hóa) cho biết, do tính chất truyền miệng nên những câu chuyện thường có kết cấu đơn giản, dung lượng vừa đủ để lý giải vấn đề, nội dung dễ hiểu. Ông đã sưu tầm được nhiều truyện cổ ghi chép lại để truyền cho con cháu. Nhiều truyện cổ ông sưu tầm được thế hệ trẻ yêu thích như “Tiếng suối”, “Hồn núi”, “Sự tích nàng Mai”...
Nhà văn Phù Ninh cũng đã dành nhiều tâm huyết với truyện cổ Tuyên Quang. Trong đó, tập truyện “Chiếc sừng nai” và “Truyện cổ Nà Hang” là thành quả của những tháng ngày ngược xuôi bám dân, bám bản. Đó là những câu truyện mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện những khát vọng trong cuộc sống của đồng bào vùng cao. Trước đó, vào năm 1978, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tuyên đã xuất bản tập truyện cổ “Sự tích một loài hoa”. Qua mỗi câu chuyện chúng ta được hiểu rõ hơn về sự ra đời của mỗi tên sông, tên núi như “Sự tích núi Ái Cao”, “Sự tích núi Pác Tạ”, “Sự tích Đền Đôi Cô”…
Năm 2016, Thạc sĩ Bùi Mai Anh (TP. Tuyên Quang) đã sưu tầm được hơn 103 truyện, bao gồm các tích truyện của đồng bào Tày, Dao, Mông, Cao Lan. Công trình đã được in thành sách với tựa đề: “Tuyển tập truyện cổ tích Tuyên Quang”.
Bên cạnh đó, những năm gần đây tại Trường Đại học Tân Trào cũng đưa một số truyện cổ Tuyên Quang vào chương trình ngữ văn địa phương. Qua đó, giúp các em thấu hiểu nguồn cội, gốc tích quê hương thông qua tích truyện để thêm yêu thương đất nước.
Truyện cổ tích xứ Tuyên giàu chất trữ tình, tính hiện thực gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc, hướng con người đến chân thiện mỹ trong cuộc sống. Những năm gần đây, nhiều câu truyện cổ tích đã được chuyển thể trở thành kịch bản sân khấu… tạo “hiệu ứng” tích cực từ phía khán giả. Điều đó chứng tỏ truyện cổ tích luôn có sức sống mãnh liệt và sẽ là tài sản vô giá để thế hệ sau thấu hiểu nguồn cội, gốc tích quê hương.