Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xử lý khai thác cát trái phép ở Ninh Hòa (Khánh Hòa): Lại đổ lỗi do... khách quan!

Phương Lê - 10:08, 24/06/2020

Từ nhiều năm nay, tình trạng khai thác cát lậu trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) diễn ra công khai, ồ ạt. Hậu quả, các dòng sông bị “băm nát”, sạt lở khắp nơi. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại dường như đang “bất lực”.

Cát tặc ngang nhiên dùng máy múc để khai thác cát giữa ban ngày
Cát tặc ngang nhiên dùng máy múc để khai thác cát giữa ban ngày

Chúng tôi về thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) để “mục sở thị” tình trạng khai thác cát lậu. Mới sáng sớm nhưng đã có 5, 6 chiếc ghe quần thảo trên dòng sông Cái; vòi hút sục vào chỗ nào thì chỗ đó, nước cuộn lên đỏ ngầu. 

Một người dân địa phương cho hay: Mưa cũng như nắng, từ 6 giờ sáng đến 15 giờ chiều, những chiếc ghe lật tung cả khu vực này để hút cát. Việc này diễn ra đã 6 - 7 năm nay rồi. Hậu quả là dòng sông bị “băm nát”, hai bên bờ sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đồng ruộng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, người có hơn 1ha đất canh tác đang bị “rút ruột”, bức xúc nói: “Chúng tôi nhiều lần báo chính quyền địa phương nhưng chẳng có ai giải quyết. Các đối tượng thì ngày càng lộng hành; trước đây còn hoạt động lén lút, bây giờ hút công khai. Cứ như thế, không lâu nữa toàn bộ phần ruộng của gia đình tôi sẽ không còn”.

Cát tặc không chỉ lộng hành ở xã Ninh Xuân mà còn cả ở khu vực xã Ninh Thượng. Rầm rộ nhất là trên sông Tân Lâm, đoạn qua khu vực thôn Ninh Trang có hơn 20 máy hút cát làm việc liên tục cả ngày. Đứng trên bờ sông Tân Lâm nhìn xuống, cả khu vực như một đại công trường. Điều đáng nói là, khu vực khai thác cát trái phép cách trụ sở UBND các xã chỉ vài trăm mét, nhưng không hiểu vì sao các đối tượng vẫn ngày ngày ngang nhiên hút cát.

Ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ địa chính xã Ninh Thượng cho biết, thời gian qua, xã cũng làm hết sức nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép. Từ đầu năm đến nay, xã đã bắt 9 vụ vận chuyển hơn 100m3 cát và xử phạt 5,4 triệu đồng. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn nên tình trạng khai thác cát vẫn không thể xử lý dứt điểm. 

“Địa hình sông Tân Lâm khá phức tạp, có nhiều đường nhánh nên mình tuần tra đầu này, họ làm đầu kia. Hiện nay, xã không đủ lực lượng để đi tuần, trong khi tổng kinh phí cho anh em đi trực chỉ có 120.000 đồng/ngày thì không đủ”, ông Hùng giãi bày.

Còn theo ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân, xã đã nhiều lần phối hợp với Công an thị xã tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác cát trái phép nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng khai thác cát tại khu vực sông Cái, có nhiều lớp canh gác báo tin. Đặc biệt, có những đối tượng hết sức manh động.

“Vừa rồi chúng tôi có phối hợp với Công an thị xã bắt 1 ghe hút cát vào buổi chiều, cột vào bụi tre rồi cho anh em canh giữ cả đêm. Đến trưa hôm sau, một số đối tượng đốt bụi tre, giải cứu ghe cát, còn đổ cho Công an đốt”, ông Trinh cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn cát tặc tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: Thời gian qua, UBND thị xã đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép, hiện nay chỉ tăng cường tuần tra, kiểm tra đột xuất. 

“Chúng tôi sẽ xử lý thật nặng đối với các đối tượng, nếu đủ điều kiện có thể sẽ khởi tố. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng hoạt động rất tinh vi, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng”, ông Hà cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.