“Cát tặc” hoành hànhNhững năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phổ biến, tự phát và khó kiểm soát tại huyện Điện Biên. Trên dọc chiều dài sông Nậm Rốm khoảng 10km từ TP. Điện Biên Phủ xuôi xuống phía Nam của huyện Điện Biên có hàng chục điểm khai thác cát lớn nhỏ mọc lên nhan nhản hai bên bờ sông. Các điểm khai thác này hoạt động bất kể ngày đêm, từ lén lút đến công khai với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Dòng sông Nậm Rốm cung ứng nước tưới, bồi màu cho nông nghiệp vùng lòng chảo Mường Thanh đang ngày càng bị biến dạng nghiêm trọng. Xung quanh những “bãi chiến trường” của hoạt động khai thác cát là những ụ cát khổng lồ, vô số hàm ếch lớn khoét sâu, sạt lở vào những diện tích đất màu của người dân.
Nước sông Nậm Rốm quanh năm chỉ còn một màu nâu đục với những xoáy nước chảy xiết cuộn sâu xuống lòng sông. Đất sạt lở, thay đổi dòng chảy khiến con sông Nậm Rốm vốn hiền hòa, nay trở nên vô cùng hung dữ mỗi khi mùa mưa đến. Tiềm ẩn sau đó là nguy cơ lũ quét đối với nhà cửa và cây trồng của những hộ dân sinh sống hai bên bờ.
Tại xã Noong Hẹt, địa bàn khai thác cát trái phép “nóng” nhất của huyện Điện Biên, người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng vẫn thờ ơ, thậm chí còn tiếp tay cho các doanh nghiệp khai thác cát trái phép. Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên cho biết, doanh nghiệp đã tự thỏa thuận mua bán với người dân diện tích đất nông nghiệp mà xã dao cho dân quản lý trồng màu, không thông qua chính quyền địa phương. Được người dân tiếp tay, các doanh nghiệp khai thác cát lậu mặc sức tung hoành, họ khai thác và bán cát với giá rẻ hơn các doanh nghiệp được cấp phép.
Theo khảo sát của phóng viên, một khối cát vàng của các chủ khai thác “lậu” bán giao động từ 100 đến 110.000 đồng. Trong khi các doanh nghiệp được cấp phép phải chịu thuế, phí cấp quyền, phí môi trường... nên phải bán ở mức giá 130.000 đồng/khối mới có lãi. Hiện tại, dọc sông Nậm Rốm đoạn qua địa phận các xã: Thanh Yên, Thanh An, Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót của huyện Điện Biên có hàng chục điểm khai thác cát mọc lên. Thế nhưng chỉ có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh Điện Biên cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cần xử lý triệt để
Để xử lý, chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép dọc bờ sông Nậm Rốm, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo chính quyền các xã: Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót... tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, thường xuyên kiểm tra các khu vực dọc bờ sông Nậm Rốm để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác cát trái phép. Chính quyền các xã cũng đã sử dụng nhiều biện pháp như: tạm giữ phương tiện, phạt hành chính đối với các đối tượng khai thác cát trái phép, nhưng mức phạt từ 2 đến 2,5 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe các đối tượng “cát tặc”.
Đã có thời điểm, các xã triển khai việc chôn cột giới hạn bằng bê tông tại các lối đi ra điểm khai thác cát nhằm ngăn chặn các phương tiện chở cát ra vào. Tuy nhiên, cột chôn xong lại bị đào cho ra bên đường. Sự luẩn quẩn, bất lực trong vấn đề quản lý tài nguyên cát, sỏi của chính quyền, ngành chức năng tỉnh Điện Biên khiến cho tình trạng khai thác cát chui trên địa bàn huyện Điện Biên trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Sự tranh giành quyền lợi giữa các doanh nghiệp được cấp phép và “cát tặc” càng làm cho tình hình an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp.
Còn dòng sông Nậm Rốm xuôi về lòng chảo Mường Thanh thì đang hình thành những “hố tử thần”, đe dọa nuốt trọn những cánh đồng ngô, rau màu trù phú của người dân. Cùng với đó là những thiệt hại về nhà cửa, đe dọa tính mạng người dân mỗi khi mùa mưa lũ về. Thiết nghĩ chính quyền tỉnh Điện Biên cần sớm có những giải pháp chấn chỉnh nghiêm minh, cần mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép.
VŨ LỢI