Cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chủ yếu từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu di cư vào lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước. Vào định cư ở vùng đất mới, song đồng bào vẫn giữ gìn được các phong tục, tập quán đặc trưng văn hóa và cả các món ăn truyền thống, trong đó có xôi tím.
Trong một lần tham gia lễ hội các dân tộc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi được chứng kiến đầy đủ một quy trình làm xôi tím gắn với những câu chuyện thú vị.
Theo quan niệm của đồng bào Thái, hạt gạo nếp tượng trưng cho sự no đủ, màu tím từ lá khẩu cắm mang ý nghĩa cho sự trù phú, đất đai màu mỡ. Trong các dịp lễ, Tết, những ngày quan trọng trong gia đình, hoặc thiết đãi khách quý, người Thái đều nấu món xôi tím. Mỗi gia đình đều có chiếc chõ bằng gỗ, dùng để đồ xôi và hấp những món ăn truyền thống khác.
Tâm huyết với văn hóa truyền thống dân tộc Thái, hơn 20 năm nay chị Lù Thị Hạnh ở thôn 1, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, đã góp công lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, khôi phục những đặc trưng văn hóa truyền thống của người Thái đang có nguy cơ mai một.
Chị Hạnh chia sẻ, “xôi tím của người Thái đặc biệt ở phần tạo màu tự nhiên, bằng một loại cây rừng có tên khẩu cắm và kỹ thuật đồ xôi trong chõ. Xôi tím ngon phải được làm từ loại nếp nương được trỉa trên đồi cao, hạt to, mẩy”.
Đối với đồng bào dân tộc Thái, lá khẩu cắm không chỉ đơn thuần dùng để chế biến thức ăn, tạo màu sắc đẹp, bắt mắt cho món xôi tím, mà còn được biết đến là một loại cây thuốc có tính mát, tác dụng chữa các bệnh như ho, viêm phế quản, nhiều đờm...
Trước khi đồ xôi, người đầu bếp phải ngâm gạo, đãi sạch, đồng thời đun sôi nước lá khẩu cắm cho đến khi nước sánh lại, thành màu tím tươi. Chờ nước nguội, thì cho gạo nếp vào ngâm khoảng 10 tiếng để hạt gạo thấm đều màu tím, rồi vớt ra để ráo nước mới đổ vào chõ đồ trên bếp lửa.
Xôi tím có màu đậm hay nhạt, phụ thuộc vào nước lá khẩu cắm đặc hay loãng và kinh nghiệm đồ xôi của mỗi người. Để hương vị xôi tím thêm thơm ngon, chõ gỗ đồ xôi phải sạch sẽ và phải luôn giữ ngọn lửa đều, than hồng cho đến khi xôi chín đều.
Bà Lò Thị Đôi thôn 1 chia sẻ: Ngày xưa, người Thái di cư vào Tây Nguyên hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị quê hương Tây Bắc vào trồng để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc, phụ nữ thì mang theo bộ trang phục truyền thống, khăn piêu đặc trưng của phụ nữ Thái. Vì vậy, những ngày hội, ngày lễ lớn phụ nữ Thái lại cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống đãi khách.
Dù xa quê nhiều năm, nhưng người Thái ở Hòa Phú vẫn gìn giữ trang phục áo cóm, váy đen, khăn piêu; giữ điệu múa sạp, múa cộng đồng; ném còn, đập niêu; giữ những món ăn truyền thống như xôi tím, thịt lợn gác bếp, rượu nếp… qua đó góp phần phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc, cũng như văn hóa ẩm thực của đồng bào DTTS Tây Nguyên.