Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xóa nghèo từ cây dược liệu

Nhật Minh - 14:15, 11/09/2023

Tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cây dược liệu đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới. Trong đó, nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia chính là “bệ đỡ” giúp bà con an tâm “bám rừng, giữ bản”.

Cây dược liệu đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS tại Sìn Hồ
Cây dược liệu đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS tại Sìn Hồ

Sà Dề Phìn là xã vùng cao biên giới của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Do đặc thù địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất canh tác nông nghiệp bị hạn chế, khu vực có thể canh tác được nằm xa khu dân cư, thiếu nước sản xuất… nên đời sống bà con tại đây gặp muôn vàn khó khăn. Xã có 4 bản, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới hơn 80%; tổng số hộ nghèo chiếm tới 58,62%, số hộ cận nghèo 11,06%.

Xã Sà Dề Phìn nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm. Nơi đây cũng là vùng đất truyền thống của Nông trường dược liệu từ những năm 70, 80 thế kỷ trước.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây dược liệu, những năm qua, huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn. Chính quyền địa phương cũng đã lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu phù hợp như: đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa.

Hiện Sìn Hồ cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu. Các sản phẩm dược liệu sau thu hoạch đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô hay các cây hoa màu khác và được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong nước, giúp đồng bào DTTS có thu nhập ổn định, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo.

Gia đình chị Sùng Thị Cúc, dân tộc Mông, ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn từng là hộ nghèo nhất bản. Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của gần 10 nhân khẩu trong gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào mấy mảnh nương lúa một vụ. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau kéo dài nhiều năm, nên gia đình thường xuyên phải nhờ vào nguồn hỗ trợ cứu đói của Nhà nước.

Người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững
Người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững

Chị Cúc chia sẻ: Do không có thu nhập nên chồng chị phải đi làm công nhân ở tận Bắc Ninh. Ở nhà chị và đứa con gái đầu là lao động chính, nhưng đất ít quá nên trồng lúa, ngô cũng chỉ đủ ăn. Khi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chị đã trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso trên mảnh nương gần nhà. Khi thu hoạch, được tiểu thương đến tận đồi thu mua và hai mẹ con cũng đi làm thuê cho công ty dược liệu trên địa bàn, nên giờ đã thoát được nghèo. Từ khoản tiền tích cóp của chồng và thu nhập của hai mẹ con, vừa qua, gia đình chị cũng đã sửa được nhà và mua một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Anh Mùa A Dì, dân tộc Mông, ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn chia sẻ: “Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 600m2 ruộng 1 vụ và cải tạo vườn tạp để chuyển sang trồng cây dược liệu. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình đã thu gần 200 triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 6 lần trồng cây lương thực có hạt. Với tiền thu được từ trồng đương quy đã giúp gia đình tôi và các hộ trong bản có thu nhập ổn định, mua sắm trang thết bị phục vụ cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.

Từ khi Sìn Hồ được quy hoạch là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm, bà con đồng bào đã có một cuộc sống mới nhờ vào khai thác thế mạnh dược liệu của địa phương. Ngoài những loại cây mà địa phương phát triển những năm qua, hiện nay, người dân còn tập trung vào trồng cây sâm công nghệ cao, dưới sự đầu tư, hướng dẫn và bao tiêu của doanh nghiệp.

Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha dược liệu các loại. Riêng từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120ha, chủ yếu là các loại cây như atisô, đương quy, với kinh phí hỗ trợ của huyện lên tới hơn 2,1 tỷ đồng. Huyện cũng đã hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.

Đến nay, địa phương đã xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương; với mục tiêu đến năm 2030 toàn huyện có khoảng 1.000 ha cây dược liệu các loại.

Cây dược liệu đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao tại Sìn Hồ
Cây dược liệu đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao tại Sìn Hồ

Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, nguồn vốn được giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG 1719 đã đem lại hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội, có ý nghĩa rất quan trọng tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, góp phần phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được ổn định.

Huyện Sìn Hồ đã và đang khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu. Ngoài ra, huyện còn có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng và phát triển cây dược liệu quy mô lớn. Từ các sản phẩm dược liệu, huyện đã có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh và từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế.

Cây dược liệu đang trở thành cây “Quốc kế dân sinh” cho người dân vùng cao Sìn Hồ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới. 

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.