Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát triển cây dược liệu giúp đồng bào DTTS ở Mường Tè thoát nghèo

Văn Phong - 06:45, 22/11/2023

Mường Tè là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Huyện có 14 xã thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế... Những năm qua, để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, Mường Tè đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh toàn dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tăng diện tích trồng các cây dược liệu trên các địa phương có điều kiện phù hợp như Mường Tè, Than Uyên...
Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tăng diện tích trồng các cây dược liệu ở các địa phương có điều kiện phù hợp như Mường Tè, Than Uyên...

Huyện Mường Tè có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt các loại cây có giá trị kinh tế cao như quế, tam thất, thất diệm nhất chi hoa, cây bẩy lá một hoa, sa nhân tím, cây thảo quả...

Từ xuất phát điểm và đánh giá tình hình thực tế, Đảng bộ huyện Mường Tè xác định rất kỹ các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Ngoài tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy truyền thống đoàn kết trong toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc, huyện xác định hướng đi bền vững cho người dân là kinh tế đồi rừng.

Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Gia đình anh Vàng Hu Ga, ở bản Huổi Han, xã Bum Tở, huyện Mường Tè là hộ nghèo đặc biệt khó khăn với gần 10 nhân khẩu nhưng cuộc sống chỉ trông chờ vào một vụ lúa và nông sản lấy từ rừng.

Anh Vàng Hu Ga chia sẻ: trong lúc gia đình anh khó khăn không biết làm gì để bớt đói nghèo thì anh được cán bộ nông nghiệp về tuyên truyền, vận động trồng quế, sa nhân đồng thời hỗ trợ cây, con giống nuôi dưới tán rừng.

Năm 2017, gia đình anh Vàng Hu Ga bắt đầu trồng quế. Đến năm nay, anh đã có thể tỉa cành và lá quế để bán. Với gần 1ha, gia đình anh thu nhập được gần 50 triệu đồng. Đây là số tiền gia đình anh chưa bao giờ có nếu làm nông nghiệp manh mún.

Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Mường Tè
Phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Mường Tè

Ông Vàng Hu Chờ, Chủ tịch UBND xã Bum Tở cho biết: Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Từ đó, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, xã chú trọng hướng phát triển bền vững, khi lựa chọn mở rộng diện tích cây trồng dài ngày là dược liệu và quế.

Tương tự, Pa Vệ Sủ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, có hơn 30 km đường biên giới và 9 dân tộc cùng sinh sống; trong đó hơn 90% dân số là dân tộc La Hủ.

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó có Chương trình MTQG 1719, xã đã rà soát những hộ gia đình nằm trong các chương trình để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp.

Trong đó, xã xác định chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi là mũi nhọn về kinh tế để nâng cao năng suất, sản lượng. Đặc biệt, do xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây dược liệu, nhất là cây sâm Lai Châu nên chính quyền xã đã tập trung rà soát diện tích để mở rộng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với việc chăm sóc, bảo vệ rừng.

Cùng với việc giúp đỡ bà con đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, chính quyền xã Pa Vệ Sủ thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để bám, nắm địa bàn, kịp thời giải quyết khúc mắc trong dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 88,5% (năm 2021) xuống còn 81,6% theo tiêu chí mới; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 86%... Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, đến nay xã Pa Vệ Sử đã khoác lên mình một diện mạo mới.

Đồng bào phát triển vùng trồng quế tại huyện Mường Tè
Đồng bào phát triển vùng trồng quế tại huyện Mường Tè

Được biết, năm 2023, toàn huyện Mường Tè được giao kế hoạch vốn 241,5 tỷ đồng, trong đó 157,9 tỷ đồng là nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG 1719. Đến nay, toàn huyện giải ngân được trên 23 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch giao.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho hay, Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030 là động lực quan trọng để vừa khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế, vừa góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách, vừa giải quyết vấn đề lâu dài đối với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, biên giới.

Nhờ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS, biên giới của huyện đã có chuyển biến tích cực. Hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của huyện đã tăng lên gần 28 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 50%.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.