Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xóa bỏ lò gạch ngói thủ công ở Tây Sơn: Đừng để sự quyết tâm chỉ là khẩu hiệu !

Lê Phương - 20:13, 07/12/2020

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định, huyện Tây Sơn phải chấm dứt hoàn toàn sản xuất gạch ngói thủ công (SXGNTC) bằng đất sét nung từ ngày 31/12/2016. Nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều lò hoạt động, bất chấp lệnh cấm của chính quyền?!

Nhiều lò SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn chưa tháo dỡ
Nhiều lò SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn chưa tháo dỡ

Tiến độ ì ạch

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tây Sơn có tổng cộng 958 lò gạch ngói thủ công. Hàng năm, các lò gạch trên địa bàn huyện cho ra lò hơn trăm triệu viên gạch, tương ứng  là một lượng đất khổng lồ bị khai thác, trong đó, không ít đất được khai thác từ những diện tích đất đang sản xuất nông nghiệp. 

Theo tính toán, mỗi năm, nghề sản xuất gạch ở đây cần hơn 90.000 m3 đất sét (tương đương 4,5 hecta đất) và 10.000 tấn than đá... gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và mất đất sản xuất nông nghiệp.

Được biết, để thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch ngói thủ công, chính quyền huyện Tây Sơn đã tiến hành tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, cũng triển khai nhiều biện pháp mạnh như: Ngưng cung cấp nước; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các nguồn nguyên liệu, thu hồi tất cả các giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh… 

Tuy nhiên, các giải pháp này đều không mang lại hiệu quả cao. Tính đến cuối tháng 11/2020, toàn huyện đã xóa bỏ 839/958 lò SXGNTC, còn lại 119 lò chưa thực hiện tháo dỡ theo quy định (trong đó có 107 lò đang hoạt động, 12 lò ngưng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ).

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho biết: Toàn xã hiện còn 41 lò SXGNTC chưa thực hiện tháo dỡ theo quy định. Địa phương đã nhiều lần mời chủ các lò SXGNTC này lên để đối thoại; cũng như xuống tận lò để tuyên truyền nhưng cũng không xong. 

“Thực tế thì các lò SXGNTC này chỉ hoạt động cầm chừng, nhưng họ không tháo dỡ vì họ chờ khi có doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp Tây Xuân làm cơ sở hạ tầng sẽ được tiền đền bù”, ông Dũng chia sẻ thêm.

Việc các lò SXGNTC tiếp tục hoạt động đã làm phát sinh một số hệ lụy; nhất là tình trạng khai thác trái phép đất sét. Ông Đỗ Văn Định, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi bày tỏ: Kế hoạch xử lý các lò SXGNTC của huyện liên tục có sự thay đổi do vướng ở nhiều khâu. Đặc biệt, hầu hết 78 lò SXGNTC chưa thực hiện tháo dỡ theo quy định trên địa bàn xã, đều hợp đồng trực tiếp với ngành điện hoặc mua máy phát điện về tự làm nên không thể dùng biện pháp cắt điện không cho họ sản xuất được. Và cũng từ đó đã nảy sinh nhiều dư luận không tốt tại địa phương.

Quyết tâm xóa bỏ trong năm nay

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ xóa bỏ các lò SXGNTC tên địa bàn huyện Tây Sơn ì ạch cho đến nay, là do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết. Dễ thấy nhất là một số cơ sở chần chừ, thấy gạch ngói được giá nên càng không muốn dỡ bỏ lò gạch, tìm cách “hoãn binh” để sản xuất gạch ngói kiếm lợi. Hệ lụy là làm phát sinh tình trạng khai thác trái phép đất sét và sản xuất chui khá phức tạp.

Ông Lê Hà An, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn thừa nhận: Nguyên nhân việc chưa thể tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ đối với các lò SXGNTC, là trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Đó là các hồ sơ pháp lý về việc giao đất; cũng như tuyên truyền vận động các lò SXGNTC tồn tại trong khu dân cư di dời vào các điểm sản xuất tập trung, các xã thực hiện chưa chặt chẽ. Dẫn đến việc xác lập hành vi vi phạm hành chính và cưỡng chế chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.

Một số lò SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn còn hoạt động cầm chừng
Một số lò SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn vẫn còn hoạt động cầm chừng

Trước những tồn tại trên, chính quyền huyện Tây Sơn đã hạ quyết tâm, đến cuối tháng 12/2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò SXGNTC trên địa bàn huyện. Theo ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, để xử lý dứt điểm hoạt động của các lò SXGNTC, trước mắt, UBND huyện sẽ thành lập 2 tổ công tác hoạt động song hành, gồm: Tổ tuyên truyền vận động và tổ xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế tháo dỡ. Huyện sẽ làm thông báo đến tất cả các lò SXGNTC trong vòng 15 ngày phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở vật chất trên đất, trả lại hiện trạng ban đầu để địa phương thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Sau đó, nếu các hộ không chấp hành sẽ lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP. 

Riêng các lò không nằm trong quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, huyện sẽ tập trung làm rõ mục đích sử dụng đất rồi xử lý. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng giao Phòng Kinh tế - Hạ tầng lập một chốt kiểm soát tại tuyến đường vào Cụm công nghiệp Hóc Bợm (xã Bình Nghi) để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn nguồn nguyên liệu cung cấp cho các lò SXGNTC.

Cũng theo ông Hùng, quá trình thực hiện, huyện sẽ áp dụng phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Ngay trong tháng 12 này, huyện sẽ thực hiện cưỡng chế tháo dỡ đối với 67 lò SXGNTC đã nhận tiền hỗ trợ theo quy định nhưng chưa tự nguyện tháo dỡ.

“Đồng thời, UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng và các địa phương khẩn trương rà soát trên địa bàn tất cả các lò đã tháo dỡ, nhưng vẫn chừa lại bầu lò và đề nghị hộ dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ. Nếu người dân không có điều kiện tháo dỡ, huyện sẽ chi tiền tháo dỡ”, ông Hùng, khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.