Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xín Mần (Hà Giang): Từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS

Vũ Mừng - 11:00, 04/11/2024

Nằm cách trung tâm TP. Hà Giang 150km, Xín Mần là huyện vùng cao, biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 7 vạn người thuộc cộng đồng 16 dân tộc, với 14.771 hộ dân, trong đó có 6.591 hộ nghèo. Hiện nay, 100% hộ nghèo là đồng bào các DTTS, vì vậy, huyện Xín Mần xác định việc triển khai các Chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội , từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo.

Cán bộ xã Chế Là tới thăm gia đình anh Lèng Văn Long tại thôn Cốc Cộ
Cán bộ xã Chế Là tới thăm gia đình anh Lèng Văn Long tại thôn Cốc Cộ

Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại xã Chế Là không có điều kiện mua téc nước, thường sử dụng bể xi măng, chum, vại... để tích trữ nước sinh hoạt. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường không có nắp đậy nên không đảm bảo vệ sinh. Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã được hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt.

Phấn khởi khi được hỗ trợ bồn chứa nước, ông Lèng Văn Long, thôn Cốc Cộ, xã Chế Là chia sẻ: Được hỗ trợ dụng cụ chứa nước chúng tôi rất vui, giờ đây vừa có nước hợp vệ sinh để dùng vừa vơi bớt nỗi lo thiếu nước sinh hoạt nhất là vào mùa khô.

Theo ông Hoàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chế Là, các bồn chứa đã giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, sử dụng nguồn nước ổn định, hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo sức khỏe, cải thiện đời sống của người dân.

Để đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích, chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã Chế Là đã được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Với tổng kinh phí phân bổ cho giai đoạn 2021 - 2024 là 873 triệu đồng, xã đã phân công cán bộ phụ trách các thôn tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu thực tế của các hộ dân trong xã, đặc biệt tập trung vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nước sinh hoạt. Tính đến tháng 9/2024, Chương trình đã hỗ trợ thành công cho 291 hộ/13 thôn trên địa bàn.

Còn tại thôn Đại Thắng, xã Nà Chì, ngay khi có chủ trương của Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để các hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà ở theo Dự án 5, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình anh Hoàng Văn Hiếu rất phấn khởi và vui mừng khi có trong danh sách được hỗ trợ.

Anh Hiếu tâm sự, ngôi nhà lắp ghép bằng gỗ trước đây là nơi che mưa, che nắng cho 4 nhân khẩu trong gia đình. Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có điều kiện sửa chữa nên ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình anh Hiếu thuộc diện khó khăn, thuần nông, đất canh tác ít nên việc xây dựng ngôi nhà mới thực sự là một vấn đề quá lớn đối với gia đình.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngoài nguồn vốn 44 triệu đồng từ Dự án 5, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, để có kinh phí xây dựng ngôi nhà, gia đình anh tìm đến Ngân hàng chính sách xã hội vay 50 triệu đồng và còn lại vay mượn từ anh em. Sau 3 tháng khởi công, ngôi nhà đã được hoàn thiện vào tháng 9 vừa qua.  Ngôi nhà được xây mới trên nền đất có diện tích 63m2, xây bằng gạch và lợp mái tôn.

Anh Hiếu chia sẻ: Tôi rất xúc động và cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí, giúp chúng tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang, giờ đây gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Với chúng tôi, đây là nguồn động lực rất lớn để gia đình tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn trong cuộc sống.

Ngôi nhà mới của anh Hoàng Văn Hiếu xã Nà Chì trong thời gian hoàn thiện
Ngôi nhà mới của anh Hoàng Văn Hiếu xã Nà Chì trong thời gian hoàn thiện

Niềm vui của anh Hiếu cũng là cảm xúc của nhiều hộ khó khăn trên địa bàn xã Nà Chì. Trong năm 2024, toàn xã có 37 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 20 hộ đăng ký xây mới, 17 nhà sửa chữa. Dự án hỗ trợ mỗi căn nhà xây mới 44 triệu đồng và 22 triệu đồng đối với các hộ dân sửa chữa nhà ở. 

Trong quá trình thực hiện Dự án 5 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, căn cứ vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo phê duyệt của tỉnh, xã Nà Chì đã thực hiện công tác rà soát, phân công cán bộ phụ trách các thôn trực tiếp xuống kiểm tra thực tế, điều tra thực trạng kinh tế và chụp hình ảnh gửi về các đơn vị chuyên môn của huyện để thẩm định hồ sơ.

Đồng thời, trên cơ sở căn cứ vào nguyện vọng và quyết tâm thực hiện của các hộ dân để triển khai đạt hiệu quả dự án. Đối với những ngôi nhà xây mới cần đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 và tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Hiện tại, nhiều hộ dân đã xây dựng xong nhà ở hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 của huyện Xín Mần là 431.735 triệu đồng. Trong thời gian qua, công tác giải ngân các nguồn vốn được UBND huyện Xín Mần chỉ đạo sát sao, quyết liệt ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 02/02/2024 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch các nguồn vốn năm 2024 với lộ trình, mốc thời gian cụ thể đối với từng nguồn vốn. Đồng thời, UBND huyện Xín Mần cũng đã thường xuyên quán triệt, đôn đốc tiến độ giải ngân thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp thường kỳ và chuyên đề, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ giải ngân.

Ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đánh giá: Việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG đã và đang phục vụ hiệu quả đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.