Khi nắng sớm chênh chếch thả từng ray sáng óng ánh xuống Sủng Là, soi tỏ từng con đường đi, từng mái nhà trong thung lũng, các học viên cũng đã có mặt đông đủ trong trang phục đầu bếp. Nhìn công tác chuẩn bị để sẵn sàng trổ tài nấu ăn của cả giáo viên và học viên nơi đây, tôi thấy trong lòng rạo rực như sắp được làm ban giám khảo của một hội thi nấu ăn, nhiều hơn là chuẩn bị dự một buổi lễ bế giảng.
Giáo viên ẩm thực Phạm Hồng Nam vừa tỉ mẩn hướng dẫn các nhóm làm công tác chuẩn bị, vừa nhiệt thành chia sẻ cùng tôi: Lớp dạy nghề chế biến món ăn được tổ chức và khai giảng tại thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn từ ngày 1/8 với 35 học viên. Hôm nay, chính là buổi học cuối cùng.
Các học viên đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản như: Cắt tỉa, trang trí, chế biến nhiều món ăn. Cùng với việc học lý thuyết, các học viên được thực hành ngay tại lớp, bạn bè cùng lớp và giáo viên chính là người chấm điểm nên không khí lớp học vui nhộn lắm. Chẳng ai nghỉ học bao giờ!
Học viên Ly Mí Say thoăn thoắt cắt tỉa rau củ thành nhiều kiểu cách trang trí món ăn bắt mắt. Ước chừng khi công việc đã gần xong xuôi tôi mới dám cất lời bắt chuyện. Say kể, em sinh năm 2000, tốt nghiệp xong bậc học trung học phổ thông thì lập gia đình, 2 vợ chồng có một cửa hàng photo nhưng do nhu cầu của người dân không cao nên thu nhập bấp bênh lắm. Trước giờ em vẫn ao ước được trở thành đầu bếp nhưng chưa có điều kiện đi học. Du lịch vốn là thế mạnh của địa phương nên dự định sau khi tốt nghiệp lớp học nấu ăn em cùng chồng sẽ mở một hàng ăn phục vụ du khách.
“Chừng nào gian hàng ăn nho nhỏ ấy của hai vợ chồng em được mở, anh dành thời gian ghé qua với chúng em. Ăn thử những món ăn miền xuôi trên vùng cao nguyên đá này, em nghĩ cảm giác sẽ khác với khi anh dùng ở dưới Hà Nội lắm chứ”, Say chân thành ngỏ lời mời.
Là một trong những học viên thạo nghề nhất của lớp, học viên Vừ Thị Máy kể lại, em có thể nấu ăn một số món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thế nhưng khi được học thêm những món ăn với công thức nấu ăn chuyên nghiệp em thấy bản thân mình tự tin hơn khi làm việc trong một số nhà hàng trên địa bàn huyện. Tham dự lớp học không chỉ mở ra cơ hội được học tập cho chúng em mà còn tạo thêm cơ hội việc làm nếu như chúng em vững tay nghề.
Học viên Vừ Thị Máy tủm tỉm cười: “Sau những buổi học, em có thử áp dụng các món mới trong bữa cơm cho gia đình mình, lần nào chồng em cũng tấm tắc khen ngon”.
Những năm gần đây, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức khảo sát, tìm hiểu, nắm nhu cầu, nguyện vọng học nghề của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn, từ đó lên kế hoạch tổ chức các lớp sơ cấp nghề phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và đối tượng học.
Công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo phương pháp "cầm tay chỉ việc”. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ học phí, tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập cho học viên là đồng bào dân tộc thiểu số khi học nghề đã và đang góp phần khuyến khích người dân đi học nghề.
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đồng Văn Nguyễn Văn Chiểu thông tin: Trong năm 2024, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 29/02/2024, Kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp năm 2024, với chỉ tiêu là 2.025 học viên. Trong đó: Đào tạo đặt hàng: 805 người; Đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng: 1.190 người; Xã hội hóa: 30 người.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, huyện Đồng Văn đã tổ chức đặt hàng được 55 lớp (40 lớp nông nghiệp, 15 lớp phi nông nghiệp) với tổng số: 1.934 học viên, trong đó: Trung tâm GDNN-GDTX đào tạo 29 lớp = 1.011 học viên; Phòng Lao động tổ chức đặt hàng đào tạo nghề 26 lớp = 910 học viên.
Sau đào tạo có 38 lao động được tuyển dụng đi làm, số lao động còn lại chủ yếu người lao động làm việc tại địa phương. Kết quả đào tạo nghề 1.921/2.025 đạt 94,86% kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đến nay đạt 48,79%/47,5% đạt 102,72% so với kế hoạch huyện giao. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.