Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào DTTS ở Chế Là vui trong những ngôi nhà mới

Vũ Mừng - 09:13, 29/10/2024

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngôi nhà mới của anh Cháng Văn Sinh và chị Thào Thị Xăm ở thôn Đản Điêng, xã Chế Là, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã được hoàn thiện sau 2 tháng khởi công. Sẻ chia cùng chúng tôi, chàng trai người Nùng xúc động: “Xây được ngôi nhà to thế này là mơ ước từ lâu lắm rồi của vợ chồng em, nhiều đêm liền chúng em không sao ngủ được, cứ đi ra đi vào ngắm nghía mãi”.

Khu dân cư tập trung thôn Đản Điêng, xã Chế Là, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.
Khu dân cư tập trung thôn Đản Điêng, xã Chế Là, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Thôn Đản Điêng, xã Chế Là, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang có 43 hộ gia đình, với 219 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Nhiều năm trước đây, trong khi nền kinh tế tự cung tự cấp của không ít bản làng vùng sâu, vùng xa đã dần được thay thế thì các hoạt động của người dân tại thôn Đản Điêng vẫn mang tính tự phát, manh mún và chắp vá.

Kinh tế truyền thống của đồng bào là trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công và khai thác tự nhiên chỉ đóng vai trò bổ trợ. Thế nhưng, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) mà diện mạo và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng tại đây đã đổi khác, khấm khá hơn hẳn.

Trong căn nhà mới, anh Cháng Văn Sinh kể: Lập gia đình từ năm 2013, hơn 10 năm hai vợ chồng cùng xây dựng hạnh phúc mới, 2 cháu nhỏ lần lượt ra đời. Nỗi lo thường trực khi nhà ở của gia đình dần xuống cấp mà không có điều kiện kinh tế để sửa chữa lại khiến vợ chồng Sinh luôn loay hoay, trăn trở. 

"Nhiều lần thấy các cháu cặm cụi học bài dưới mái nhà dột lòng em buồn lắm. Cho đến tháng 3 năm 2024 vừa qua, gia đình em được Nhà nước hỗ trợ hơn 40 triệu đồng để xây dựng nhà. Ngày khởi công, anh em làng xóm và các ban, ngành, đoàn thể trong xã đến phụ giúp rất đông, vợ chồng em biết ơn lắm", anh Cháng Văn Sinh bộc bạch.

Tham quan căn nhà sàn rộng hơn 120 mét vuông, anh Cháng Văn Sinh giới thiệu: Quá trình thi công, vợ chồng anh đã bàn bạc chia căn nhà thành nhiều không gian sinh hoạt. Nơi có cửa sổ, sử dụng làm góc học tập cho các cháu. Nơi cao ráo, trang trọng đặt ban thờ tổ tiên theo truyền thống của dân tộc mình. Và chỗ kín gió vợ chồng em dành riêng để tích trữ, bảo quản lương thực thu hái được sau mỗi mùa vụ. Niềm vui đến bất ngờ càng khiến gia đình có động lực vượt khó để làm ăn và nuôi dạy con cái học hành.

Cán bộ xã Chế Là tham quan một số hạng mục trong công trình nhà ở của hộ gia đình anh Cháng Văn Sinh.
Cán bộ xã Chế Là tham quan một số hạng mục trong công trình nhà ở của hộ gia đình anh Cháng Văn Sinh

Ông Nguyễn Đức Dương, Chủ tịch UBND xã Chế Là thông tin: Chế Là nằm cách trung tâm huyện Xín Mần khoảng 20km. Do địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại tương đối khó khăn nên đời sống của người dân tại 13 thôn bản còn nhiều vất vả. 

Thực hiện Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2023-2024, có 38 hộ gia đình tại xã Chế Là được hỗ trợ xây dựng nhà mới; 27 hộ gia đình được hỗ trợ sửa chữa nhà, với tổng nguồn vốn được phân bổ là 2.266 triệu đồng. Hộ gia đình anh Cháng Văn Sinh là một trong 6 hộ gia đình của xã Chế Là được hỗ trợ xây dựng nhà mới trong năm 2024.

Trước niềm vui của các hộ được nhận hỗ trợ nhà, ông Nguyễn Đức Dương cũng phấn khởi chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, xã Chế Là luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của Nhân dân. Việc làm ý nghĩa này sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào các DTTS yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống; củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thông tin thêm với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho biết: Xín Mần là huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang, là địa bàn sinh sống của cộng đồng 16 dân tộc, với dân số trên 72.000 người, trong đó trên 69.300 người là đồng bào DTTS, chiếm 96,2% tổng dân số toàn huyện.

Nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia là “đòn bẩy” cho công tác giảm nghèo của huyện, nên ngay khi triển khai các chương trình, huyện đã lập kế hoạch, phân bổ nguồn vốn để thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn. 

"Trong 9 tháng đầu năm 2024 với nguồn lực từ 03 Chương trình MTQG, huyện Xín Mần đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà mới và nâng cấp, cải tạo nhà cho 683 hộ gia đình trên địa bàn huyện", Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Xuân Tĩnh thông tin thêm..

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.