Còn nhớ thời điểm giữa tháng 2/2020, tỉnh Vĩnh Phúc được coi là điểm nóng của dịch bệnh Covid-19 với 11 ca nhiễm bệnh, trong đó xã Sơn Lôi, huyện Bình Sơn, được coi là tâm điểm dịch bệnh với 6 ca nhiễm lây từ cộng đồng. Ngay sau đó, trên mạng xã hội tràn ngập những dòng trạng thái mang đầy màu sắc kỳ thị như: “Tránh xa Vĩnh Phúc”, “Cảnh giác với Vĩnh Phúc”, “Vũ Hán ở Vĩnh Phúc”...
Hiệu ứng từ mạng xã hội lan ra đời sống thực, đó là nhiều khách sạn ở các địa phương khác đã thẳng thừng từ chối tiếp đón công dân Vĩnh Phúc khi họ đến công tác hoặc đi du lịch. Nhiều công dân quê Vĩnh Phúc đang sống và làm việc tại Hà Nội cũng phải chịu đựng những ánh mắt ghẻ lạnh, thái độ kỳ thị của nhiều người trong cộng đồng.
Người dân sống ở vùng dịch phải chịu những áp lực tâm lý nặng nề một phần thì những người không may bị lây bệnh phải chịu áp lực gấp mười lần. Ngay sau khi mỗi ca bệnh được công bố, cộng đồng mạng lại thi nhau truy tìm danh tính, hoàn cảnh gia đình, nguồn gốc xuất xứ, quan hệ xã hội của các bệnh nhân để công khai lên mạng xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, sự kỳ thị có thể gây ra những hậu quả như: khiến nhiều người muốn che giấu bệnh để không bị kỳ thị; ngăn cản mọi người không sớm tìm đến các cơ sở y tế chữa trị và không khuyến khích được họ thực hiện những hành vi lành mạnh bảo vệ bản thân và người khác.
Tất cả những rào cản đó có nguy cơ gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, nếu muốn làm tốt việc chống dịch, chúng ta phải xóa bỏ tâm lý né tránh; hiểu biết về bệnh và ứng xử sao cho phù hợp.