Cụ bà Đặng Thị Liễm quê gốc ở Hải Dương, đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Sau giải phóng bà giữ chức Hiệu trưởng Trường mầm non thị xã Hải Dương. Đến năm 1981, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà Nước, bà cùng 6 người con đi kinh tế mới ở nông trường sông Ba (nay là xã Đak Hlơ, huyện Kbang) và sinh sống bằng nghề làm bún. Đến nay, các con của bà Liễm đã lập gia đình ra ở riêng. Bà xây một căn nhà nhỏ ở cạnh nhà người con thứ 6 để ở.
Năm 2014, UBND xã cấp sổ hộ nghèo cho bà Liễm, vì thấy bà tuổi cao, sống 1 mình. Đến 2015, bà đã xin ra khỏi hộ nghèo để nhường cho những hộ nghèo hơn. Bà Liễm cho biết: “Tôi thấy mình có nhà ở, có đủ ăn, đủ mặc nên tôi muốn xin ra khỏi hộ nghèo. Xã này còn nhiều hộ khó khăn, tôi muốn nhường phần đó cho những hộ khó khăn hơn tôi”.
Ở thôn 3, người dân biết đến bà Liễm bởi cái tâm thiện. Cả cuộc đời bà làm lụng nuôi các con khôn lớn. Đến tuổi già bà lại chắt chiu, tích cóp tiền bạc để giúp đỡ người nghèo. Trong công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), một vài hộ trong làng chưa có nhà kiên cố để phù hợp với tiêu chí NTM, bà Liễm đã mang tiền cho các hộ mượn. Cách đây hơn 1 tháng thấy 2 hộ nghèo ở làng Lợt (xã Đak Hlơ) là hộ Đinh Phi và Đinh Khuynh không có tiền làm ăn phát triển kinh tế bà cũng đã ủng hộ 1 triệu đồng để 2 hộ trên mua cây giống về phát triển kinh tế gia đình.
“Tôi làm việc thiện ở cái tâm mình mà ra. Xưa mình khổ nhiều rồi, nên ngày nay mình giúp được ai thì giúp. Có chút tiền tích cóp được, ai thực sự khó khăn thì mình cho mượn hoặc ủng hộ một chút để động viên họ có động lực làm ăn, phát triển kinh tế.” bà Liễm chia sẻ.
"Khi thấy mẹ làm việc thiện chúng tôi cũng rất ủng hộ. Mặc dù bà đã 90 tuổi nhưng vẫn tự nấu cơm, làm việc nhà".
Anh Đoàn Vĩnh Túc, con trai bà Đặng Thị Liễm
Mới đây nhất, ngày 8/4, nghe tin UBND xã phát động phong trào chung tay ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Để làm gương cho người dân trên địa bàn, bà Liễm đã đóng góp 2 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ chia sẻ: Dù bà đã 90 tuổi, sức khỏe đã yếu dần, nhưng bà vẫn sống tiết kiệm, tự lo cho bản thân và giúp đỡ những người nghèo hơn trong làng. Bà Liễm chính là tấm gương sáng “tuổi cao chí càng cao” ở địa phương để người dân học tập.