Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xe ngựa vùng Bảy Núi

Phương Nghi - 10:44, 09/03/2021

Với những ai sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi (An Giang), tiếng xe ngựa lốc cốc đã trở thành âm thanh quen thuộc, nhắc nhở về vùng đất gian lao mà anh dũng. Ngày nay, cỗ xe ngựa vẫn xuất hiện trên những nẻo đường, chở theo ký ức về vùng đất Bảy Núi xa xưa…

Những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ trên vùng Bảy Núi
Những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ trên vùng Bảy Núi (Ảnh TL)

Bảy Núi từ thời điểm cuối năm ngoái đến nay đã bắt đầu đón khách hành hương. Những tuyến đường nhộn nhịp hẳn lên với dòng xe cộ ngược xuôi đến núi Cấm tham quan thắng cảnh, đến chợ Tịnh Biên tìm mua hàng ngoại nhập. Lọt thỏm giữa khung cảnh đông đúc đó là tiếng lốc cốc của những cỗ xe ngựa lặng lẽ trên những nẻo đường cát trắng. Không chỉ là phương tiện mưu sinh, xe ngựa Bảy Núi còn là nét đẹp văn hóa.

Hơn 30 năm gắn bó với “nghiệp cầm cương”, ông Chau Miel, người dân xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên (An Giang) nói: “Tôi theo nghề đánh xe ngựa này từ lúc hơn 10 tuổi. Hồi ấy, vùng Bảy Núi chủ yếu là đường đất chứ không láng nhựa thẳng tắp như bây giờ. Muốn đi, người ta phải đi xe ngựa. Bởi vậy, nghề đánh xe ngựa hồi đó ngon lắm, thu nhập có thể lo cho gia đình no ấm quanh năm”.

Trong số hơn 30 nài ngựa của xã Vĩnh Trung, ông Chau Miel được xem là “bậc lão làng”. Ông đã chứng kiến những đổi thay của nghề đánh xe ngựa từ thuở “hoàng kim” cho đến thời điểm vắng khách như hiện nay. Nói về khó khăn của nghề, ông Chau Miel thật tình: “Hồi trước, xe ngựa được dùng vào nhiều việc, từ chở khách đi chợ, đi chùa cho đến chuyện rước dâu, vận chuyển hàng hóa. Trước đây, người dân nơi đây không thể thiếu xe ngựa. Bây giờ, đi xe máy vừa nhanh, vừa tiện nên tiếng xe ngựa cũng thưa vắng dần. Hiện tại, chỉ xã Vĩnh Trung còn vài chục chiếc xe ngựa, các xã lân cận như Văn Giáo, Tân Lợi (huyện Tịnh Biên) hầu như vắng bóng”.

Xe ngựa phục vụ lễ hội và đưa rước khách đi tham quan Thất Sơn. (Ảnh TL)
Xe ngựa phục vụ lễ hội và đưa rước khách đi tham quan Thất Sơn. (Ảnh TL)

Mỗi sáng, tại chợ xã Vĩnh Trung có gần 20 nài ngựa tập trung  tại bến xe ngựa. Điểm đặc biệt ở bến xe này là người ta không “sắp tài”, vì mỗi nài ngựa đều có “mối ruột” của mình. “Khi cần vận chuyển hàng hóa kích cỡ lớn, trọng lượng khoảng vài trăm ký, người ta vẫn cần xe ngựa. Chúng tôi có thể chở hàng hóa với “trọng tải” tối đa 500kg. Ở khối lượng vừa phải như vậy, xe gắn máy không kham nổi, xe tải lại không chịu chở nên xe ngựa cũng sống được. Giá mỗi cuốc chạy dao động từ 30.000 đồng đến 150.000 đồng, tùy vào khối lượng và quãng đường xa gần”, ông Chau Miel chia sẻ.

Anh Chau Tếch, một nài ngựa chợ xã Vĩnh Trung
Anh Chau Tếch, một nài ngựa chợ xã Vĩnh Trung

Anh Chau Tếch, một nài ngựa ở chợ xã Vĩnh Trung, cho biết: “Xe ngựa vẫn còn hữu dụng khi chở đồ vào tận trong phum, sóc. Nhờ vậy mà người ta vẫn còn thuê chúng tôi”. Có những đám cưới ngẫu hứng muốn “ngựa ô kiệu vàng rước nàng về dinh” thì anh em sẵn sàng đánh xe đi xa với thù lao hơn 1 triệu đồng/xe. Những con ngựa rắn rỏi cứ lầm lũi trên tuyến đường xa thăm thẳm, thi thoảng chúng đột ngột “bứt phá” khiến các nài ngựa phải một phen trổ tài.

Nói về giống ngựa đang kéo xe ở vùng Bảy Núi, anh Chau Tếch cho biết: “Giống ngựa thuần chủng vùng Bảy Núi hiện tại đã không còn. Dân đánh xe chủ yếu sử dụng ngựa mua từ Campuchia với giá dao động từ 15 - 20 triệu đồng/con. Nhiều người thử tìm mua ngựa ở các nơi khác, chúng có dáng uy dũng, cao lớn hơn ngựa ở đây nhưng sức kéo lại kém hơn nhiều”.

Đối với những “bác tài” ở Bảy Núi, con ngựa là tài sản và cũng là người bạn quý. Họ luôn cố gắng chăm sóc ngựa thật tốt để cùng đồng hành vì kế mưu sinh. Không ai chịu đổi con ngựa của mình để lấy một chiếc xe gắn máy, bởi công việc này đã trở thành một phần trong cuộc sống của những nài ngựa vùng Bảy Núi.

Xe ngựa còn phục vụ đưa rước dâu trong đám cưới của đồng bào Khmer An Giang, tạo nên nét văn hóa độc đáo của vùng này. (Ảnh TL)
Xe ngựa còn phục vụ đưa rước dâu trong đám cưới của đồng bào Khmer An Giang, tạo nên nét văn hóa độc đáo của vùng này. (Ảnh TL)

Hiện tại, tiếng xe ngựa đã vang lên nhiều hơn trên những tuyến đường Bảy Núi để đón du khách đến vùng Bảy Núi du Xuân. Họ miệt mài chở du khách hay chở những chuyến hàng ngược xuôi khắp các nẻo đường, để lại sau lưng tiếng nhạc ngựa thân quen như “cái hồn” của vùng đất bán sơn địa nhiều nắng gió.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.