Theo Báo cáo tại Hội nghị, với tổng nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa đạt hơn 175 tỷ đồng, Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2019 - 2022” đã đạt và vượt toàn bộ 7 chỉ tiêu đề ra, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề về môi trường, khí hậu hiện nay.
Theo đó, trong giai đoạn 2019 - 2022, các cấp bộ Đoàn trên cả nước đã triển khai hơn 390.000 vườn ươm cung cấp cây xanh, hơn 8.000 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với hơn 680.000 đoàn thanh niên tham gia.
3 năm qua, gần 95.000 chi đoàn khu dân cư đã đăng ký thực hiện “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ở cấp tỉnh và cấp huyện, đã có lần lượt gần 1.600 và khoảng 12.700 công trình thanh niên bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Tương tự, có hơn 16.700 ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp liên quan đến nội dung Đề án của thanh niên được triển khai mới.
Đáng chú ý, nhờ những nỗ lực của tuổi trẻ cả nước và các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị, đã có 1.052 nhà tránh lũ được xây dựng mới tặng bà con các địa phương. Tổng nguồn lực triển khai Đề án từ ngân sách nhà nước đạt hơn 53 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa đạt hơn 122 tỷ đồng.
Các báo cáo tại Hội nghị còn cho thấy, toàn bộ 7 chỉ tiêu của Đề án đều đạt và vượt mức đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu vượt mức gồm: Trồng mới 30 triệu cây xanh; tổ chức 8.000 lớp tập huấn; triển khai 200 công trình cấp tỉnh, 1.600 công trình cấp huyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ 1.000 ý tưởng khởi nghiệp, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ xây 250 nhà tránh lũ.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết: Trong quá trình triển khai Đề án, đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả của tuổi trẻ cả nước, như “Cá ăn rác tại các bãi biển”, “Chợ dân sinh, chung cư giảm rác thải nhựa”, “Vườn Đoàn”, "Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường”…
Đặc biệt, qua các chiến dịch ra quân làm sạch môi trường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh cũng như thành lập, duy trì các đội thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với bão lũ, đăng ký xây dựng tuyến phố, tuyến đường, dòng sông xanh - sạch - đẹp, nhà, chòi tránh lũ… tổ chức Đoàn đã góp phần tích cực, trực tiếp vào công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất với dự thảo Báo cáo kết quả triển khai Đề án và có một số nội dung góp ý vào các vấn đề trọng tâm như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ Đoàn, Hội, Đội và lực lượng nòng cốt về các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong đoàn viên, thanh thiếu niên…
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã trao đổi về công tác phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tại địa phương. Đề xuất các giải pháp trọng tâm nâng cao chất lượng các hoạt động bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Từ đó đề xuất các nội dung cụ thể triển khai xây dựng Đề án mới trong giai đoạn tới.