Hội thảo được tổ chức với điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các Tỉnh/Thành đoàn, đoàn trực thuộc; đồng thời phát sóng trực tuyến trên tất cả các nền tảng số của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hội thảo là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong lĩnh vực văn hóa; Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021.
Tham dự, chỉ đạo Hội thảo có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo cơ quan đồng chủ trì tổ chức Hội thảo; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Đồng thời có sự theo dõi của hơn 5.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận. Nội dung tham luận tập trung trên hai nhóm vấn đề chính. Thứ nhất là nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Thứ hai là phân tích về vị trí, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng và phát triển các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam, qua đó góp phần thiết thực bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Các bài tham luận đề cập đến nhiều nội dung, trên nhiều khía cạnh, rất đa chiều cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhiều tác giả tập trung phân tích sâu về không gian mạng và tác động của không gian mạng đến các sản phẩm văn hóa xuyên biên giới; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, nhất là về thể chế, chính sách pháp luật để quản lý, tạo môi trường cho các sản phẩm văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa nhân loại được giao thoa, được ươm mầm, nảy nở.
Nhiều tham luận đề cập đến thực trạng phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời đề xuất giải pháp để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo ra những sản phẩm văn hóa “Made in Vietnam” ngang tầm thế giới. Bên cạnh đó, có những tham luận đề cập sâu đến nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng thụ hưởng các sản phẩm văn hóa của thế hệ trẻ hiện tại và tương lai, từ đó đề xuất giải pháp cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai các phong trào thi đua, các hoạt động sát với thực tiễn, tạo môi trường, tạo cơ chế để khuyến khích thanh niên khởi nghiệp trên lĩnh văn hóa, tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới phù hợp với luật pháp quốc tế và truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần thực chất để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của dân tộc.
Trước đó, nằm trong chuỗi các hoạt động về văn hóa, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tổ chức Diễn đàn “Tuổi trẻ với chấn hưng văn hóa trong kỷ yếu số” với các chùm hoạt động: Tổ chức ghi hình và phát sóng 2 Talk show, mỗi số phát sóng 45 phút trên kênh VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam vào các ngày 21/4 và 27/4/2022. Talkshow phát sóng số 1 với chủ đề “Bức tranh văn hóa Việt Nam trên các nền tảng công nghệ số”. Talkshow phát sóng số 2 với chủ đề: “Định vị Việt Nam trên bản đồ thế giới với các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia”. Tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” tại Hà Giang. Các hoạt động đã được tổ chức rất bài bản, chuyên sâu, thể hiện trách nhiệm, vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ Việt Nam với sứ mệnh giữ gìn, phát huy và chấn hưng Văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Tính đến ngày 11/5, tổng lượt người xem, tương tác trên các nền tảng số của Trung ương Đoàn, các bộ, ngành Trung ương và các Tỉnh/Thành đoàn, đoàn trực thuộc cho chuỗi các hoạt đã và đang diễn ra là gần 7 triệu lượt.