Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Vững vàng một dải biên cương

Nguyễn Thanh - 08:04, 03/03/2022

Tự bao giờ, với mỗi người lính Biên phòng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Họ là những người lính nơi tuyến đầu với đủ đầy gian khổ, mất mát, hy sinh nhưng nào có ai sờn lòng, nhụt chí. Suốt bao năm qua, “ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ, nặng tình quê hương canh giữ miền đất mẹ”, chỉ để bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

BĐBP Quảng Bình tuần tra bảo vệ biên giới
BĐBP Quảng Bình tuần tra bảo vệ biên giới

63 năm trước, ngày 3/3/1959, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng” của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của lực lượng BĐBP). Từ đó, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang đảm nhiệm chuyên trách công tác nội địa, biên phòng.

Từ đó đến nay, ngày 3/3 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của những người lính Biên phòng. Trong suốt 63 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; là điểm tựa vững chắc của đồng bào các dân tộc khu vực giáp biên...

Địa bàn hoạt động của BĐBP khá đặc thù: Hẻo lánh, cách trở, khó khăn, tập trung đông đồng bào DTTS và là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng và nằm trong sự chống phá của các thế lực thù địch. Thế nên, nhiệm vụ của các anh quá đỗi nặng nề, vất vả. Nhưng, quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Đảng ủy Bộ Tư lệnh BĐBP, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thực sự là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia nơi vùng biên ải.

Chiến sĩ Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc BĐBP Thanh Hóa giúp dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa khắc phục thiên tai
Chiến sĩ Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thuộc BĐBP Thanh Hóa giúp dân bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa khắc phục thiên tai

Song song nhiệm vụ đấu tranh với các thế lực thù địch, các anh đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biên giới. Sát cánh với bà con các dân tộc khu vực biên giới, chiến sĩ BĐBP vừa hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, xóa bỏ đói nghèo, vừa quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân; những người chiến sĩ quân hàm xanh còn giúp bà con nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch, từ đó nêu cao cảnh giác, không nghe theo xúi giục của kẻ xấu.

Tôi đã đi qua nhiều nơi trên dải đất biên cương. Hình ảnh ấm lòng nhất, đong đầy bao xúc cảm vẫn là những người lính Biên phòng đã và đang “bốn cùng” với bà con dân bản. Khi đồn đã là nhà, biên giới đã là quê hương, thì đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt cũng là điều hiển nhiên, dễ hiểu. Bao năm qua, các anh tự nhận mình “là con của vạn nhà” để rồi ngày ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào; sát cánh cùng bà con các dân tộc khu vực biên giới từ những năm tháng chiến tranh cho đến hòa bình lập lại.

Với phương châm “sẵn sàng chiến đấu cao”, cùng với việc tham gia ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, lực lượng BĐBP cả nước còn chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội. Trên toàn tuyến biên giới, BĐBP đã đấu tranh thành công hàng trăm chuyên án, bắt giữ nhiều vụ việc với hàng trăm đối tượng phạm tội cùng nhiều tang vật…

Dịch đến, nhiệm vụ của người lính Biên phòng thêm nặng nề. Các anh đều đã xác định rõ cho mình “nhiệm vụ kép” phải thực hiện tốt, là chống dịch và bảo đảm an ninh biên giới. Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và có những diễn biến phức tạp, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đất liền, biên giới biển đã huy động tối đa quân số thực hiện nhiệm vụ. Trong hơn 2 năm qua, ngoài quân số thường trực của các đơn vị tuyến đầu, Bộ Tư lệnh BĐBP đã điều động nhiều đợt với hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, học viên của các học viện, nhà trường và các đơn vị tuyến sau lên tăng cường cho các Đồn Biên phòng ở biên giới.

Chiến sĩ Biên phòng Pa Ú giúp bà con La Hủ huyện Mường Tè (Lai Châu) khai hoang trồng lúa rẫy
Chiến sĩ Biên phòng ở Pa Ú giúp bà con La Hủ huyện Mường Tè (Lai Châu) khai hoang trồng lúa rẫy

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn kiên trì bám trụ đường biên, quyết tâm thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”. Trên dải đất biên cương, lực lượng BĐBP đã thiết lập hàng ngàn chốt, huy động hàng chục ngàn cán bộ chiến sĩ… túc trực suốt ngày đêm. Vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã ngày đêm chắc tay súng, vững đôi chân nơi miền biên giới. Họ đã biến mình thành lá chắn sống vững chắc nơi biên ải, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác. Bất kể đêm ngày, bất kể thời tiết; dẫu khó khăn, vất vả; thậm chí đã phải nén đau thương, gác tình riêng… trước một nhiệm vụ duy nhất: chống dịch và bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ biên cương.

Lịch sử 63 năm hình thành và phát triển lực lượng BĐBP đã cho thấy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì lực lượng BĐBP cũng luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Những chiến công đạt được trên các lĩnh vực của mỗi chiến sĩ BĐBP đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển bền vững của Tổ quốc; tô đẹp thêm hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, ngời sáng hơn truyền thống Anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và BĐBP Việt Nam.

Đó còn là hành trang quý báu, là nguồn động viên lớn lao để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP tiếp tục nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; phấn đấu vì một tuyến biên giới hòa định, ổn định và phát triển.

Ngày truyền thống lực lượng BĐBP, “xin hát mãi về anh, người chiến sĩ biên cương”!

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.