Cách đây chưa lâu, Lù Dì Sán còn là thôn “3 không”: Không điện, không đường, không nước sạch. Nương rẫy để hoang hóa do phương thức canh tác lạc hậu, không hiệu quả. Bà con vẫn còn giữ một số hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt hằng ngày; nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra…;Tình trạng người dân vượt biên sang Trung Quốc làm thuê diễn ra phức tạp. Đặc biệt là nhiều loại tội phạm lợi dụng địa bàn giáp biên để hoạt động.
“Bản thân mình là người Mông, làm sao thay đổi cho bà con có cuộc sống mới, vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, nhưng phải xóa bỏ được hủ tục, tập quán lạc hậu; những phong tục còn phù hợp thì nên cải tạo theo hướng mới…”, Thiếu tá Páo chia sẻ.
Nhận thấy đất đai, khí hậu ở thôn Lù Dì Sán thích hợp với chăn nuôi đại gia súc, Thiếu tá Páo cùng lãnh đạo thôn xuống từng nhà vận động bà con phát triển đàn trâu bò, tăng thu thu nhập. Hiểu được tâm lý “ngại” thay đổi của bà con, anh đề nghị Chi bộ phân công đảng viên đi đầu, gương mẫu làm trước để bà con thấy được hiệu quả mà noi theo.
Anh Ma Seo Lìn là đảng viên của Chi bộ, được Thiếu tá Páo đến động viên, vận động gia đình mở hướng chăn nuôi đại gia súc. Được phổ biến, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, đến nay, đàn bò của gia đình anh Lìn đã có hàng chục con.
“Ở đây khí hậu khắc nghiệt lắm, mùa đông thì lạnh giá, mùa hè thì nóng nắng, nên chăn nuôi rất khó khăn. Từ khi anh Páo về phụ trách thôn, đã động viên tôi vay vốn để đầu tư nuôi bò. Anh cùng với cán bộ khuyến nông xã, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi và dự trữ thức ăn cho mùa đông. Bây giờ trong thôn đã có nhiều hộ trở lên khá giả từ chăn nuôi trâu bò”, anh Lìn cho biết.
Phương thức sản xuất từng bước được thay đổi, đời sống bà con trong thôn cũng được cải thiện. Trong hơn 50 năm nóc nhà ở Lù Dì Sán hôm nay, đã có nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, trị giá vài trăm triệu đồng - điều mà trước đây bà con chỉ dám mơ, chứ không tin có thể thành hiện thực.
Lù Dì Sán hôm nay dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, người dân còn phải cố gắng nhiều, nhưng so với trước đây, thôn đã thực sự thay da đổi thịt. Vùng đất hoang hóa đang từng ngày hồi sinh, điện, đường bê tông đã về thôn… Kinh tế phát triển, những hủ tục về ma chay, cưới hỏi dần được đẩy lùi. Chuyện bất bình đẳng giới, sinh con thứ 3 hầu như không còn trong những gia đình trẻ. Trẻ nhỏ được đến trường đúng độ tuổi, được học những điều hay, để sau này xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn.
“Với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy xã, được phân công phụ trách thôn khó khăn nhất là Lù Dì Sán, đồng chí Páo đã phát huy vai trò của người sĩ quan Biên phòng khi về với xã biên giới. Qua đó, đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Nguyễn Hữu Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Sán Chải nhấn mạnh.
Trong nhịp sống thanh bình của Lù Dì Sán hôm nay, luôn có hình ảnh quen thuộc của những người lính quân hàm xanh. Hơn 50 hộ dân cùng chung tay xây dựng biên giới bình yên, trở thành điểm sáng trên tuyến biên giới Lào Cai. Vùng đất biên cương đang từng ngày thay da đổi thiyj...
Với bà con, Thiếu tá Páo như người con, người em của mỗi gia đình. Khi đến với người dân, hành trang của anh là tình cảm, trách nhiệm, tinh thần tận tụy của người lính nơi biên cương với những người “ruột thịt” theo đúng phương châm: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương; Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.