Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng nông thôn mới ở Lệ Thủy (Quảng Bình): Ưu tiên hoàn thành tiêu chí phát triển giáo dục

Quỳnh Chi - 10:15, 12/12/2019

Xác định phát triển giáo dục toàn diện là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là tiêu chí then chốt trong xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã triển khai nhiều giải pháp, ưu tiên các nguồn lực để tạo bước chuyển tích cực cho phát triển giáo dục.

Lệ Thủy tập trung nguồn lực tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học
Lệ Thủy tập trung nguồn lực tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học

Theo ông Nguyễn Văn Vững, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy, hiện nay hệ thống trường lớp trên địa bàn đã được đầu tư, mở rộng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa về cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ dạy và học. Đặc biệt, mạng lưới các trường học mầm non, tiểu học, THCS phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS… với nhiều loại hình trường lớp phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở các lứa tuổi. 

Huyện tập trung nguồn lực, giải quyết dứt điểm phòng học mượn, phòng học tạm; tổ chức tốt việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - thân thiện - hiệu quả qua từng năm học ở tất cả các đơn vị trường học. Đến nay, 100% số trường học đã kết nối internet và có website riêng, hoạt động hiệu quả; 100% trường có phòng học được trang bị màn hình tivi 51 inch.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ nhà giáo, chất lượng học tập của học sinh đã được nâng lên. Hiện tại, 100% giáo viên đạt chuẩn; các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu; tổ chức chu đáo, khoa học; các hội thi, hội khỏe, các giải thể thao… được chú trọng và khuyến khích phát triển tạo được sự hứng khởi, say mê học tập, rèn luyện trong giáo viên và học sinh, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các trường học. 

 Nhờ đó, phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi ở Lệ Thủy đã lan tỏa mạnh mẽ đến từng đơn vị. Số lượng học sinh được tham gia bồi dưỡng ở các cấp học tăng mạnh. Riêng trong năm học 2018 - 2019, học sinh Lệ Thủy luôn đứng Top đầu của tỉnh từ cấp tiểu học đến THPT. Cụ thể, ở giải cấp tỉnh, đạt 251 giải (trong đó có 23 giải Nhất, 35 giải Nhì, 92 giải Ba, 101 giải Khuyến khích). 

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những chuyển biến tích cực của giáo dục, đang góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng NTM ở Lệ Thủy. Trong xây dựng NTM, huyện chú trọng ưu tiên thực hiện các tiêu chí giáo dục, dành nguồn đầu tư cho giáo dục khá lớn, xấp xỉ 18 - 20% trong tổng dự toán của toàn huyện. Trong đó, tập trung ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các trường ở các xã xây dựng NTM và các trường ở địa bàn vùng sâu, vùng xa... 

Đến nay, huyện đã có 68/88 trường (trên 77%) đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên rõ rệt, với 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần đưa kết quả xây dựng NTM ở huyện đạt 57% số xã đạt chuẩn NTM (16/28 xã), trong đó một số xã đang tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu... Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.