Một năm trước, tại điểm trường thôn 3 - Trường Tiểu học Phước Cát 2, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã phối hợp Trường Tiểu học Phước Cát 2 tổ chức khai giảng “lớp học xóa mù” cho 21 học sinh là người dân tộc X’tiêng, Châu Mạ (thuộc dân tộc Mạ), Cơ-ho sinh sống trên địa bàn xã. Sau 1 năm, các học sinh này đã trở thành “anh chị” của các em học sinh lớp học xóa mù mới. Điều làm chúng tôi khâm phục, là tất cả thầy cô trò nơi đây đều “khát” con chữ. Họ bảo nếu không có chữ sẽ nghèo khổ, cả đời chỉ “chúi đầu” vào rẫy cà phê.
Vượt gần chục cây số đường rừng xa xôi, chị Điểu Thị Máp không kể xiết niềm vui khi lần đầu tiên đánh vần ê a con chữ. Chỉ biết, gương mặt chị ánh lên niềm xúc động tự hào, khi các cô giáo Trường Tiểu học Phước Cát 2 đến tận nhà mời chị đến trường học chữ. Ở cái tuổi 38 chưa hề biết chữ là gì, nay được cầm cây bút, nhìn thấy tập giấy, chị Máp hết bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác. Chồng đi làm rẫy xa, chị dắt hai con lớn, lưng địu đứa nhỏ đến nhà văn hóa xã Phước Cát từ 2 giờ chiều. “Nhà em ở xa lắm. Bên kia rừng kìa. Nghe được đi học em thích lắm. Ba mẹ con đi luôn”, chị Máp phấn khởi chia sẻ khi tiếng Kinh chưa sõi.
Cũng là “học trò đặc biệt”, ông Điểu Ka Minh là người cao tuổi nhất của lớp học xóa mù này. Năm nay ông Minh bước sang tuổi 53 - cái tuổi lên chức ông nội, ông ngoại, song chưa một lần học chữ. Ông Minh vui mừng rơi nước mắt khi lần đầu tiên ngồi trên chiếc ghế gỗ dưới mái trường lợp mái tôn khang trang. Ông Minh chia sẻ: “Nhà tui ba thế hệ không biết chữ. Nay được đi học tui thích lắm. Học mà mở mang đầu óc, để biết đọc, biết viết”.
Được cô giáo Trịnh Thị Út dạy từng nét chữ, chàng trai Châu Mạ Điểu Ka Bảy không dấu được xúc động, nước mắt rưng rưng chẳng nói nên lời. Còn nhiều thanh niên trong xã chỉ biết nhìn cô giáo Út, cô giáo Bùi Thị Anh, thầy giáo Nguyễn Văn Nam trân trọng.
Không chỉ chị Điểu Thị Máp, ông Điểu Ka Minh, anh Điểu Ca Bảy, mà 18 học sinh khác của “lớp học đặc biệt” đều có chung một tâm trạng phấn khởi, vì được học chữ, học làm người. Trong ánh mắt trong veo như dòng suối giữa rừng già Cát Tiên của những chàng trai Châu Mạ, cô gái X’tiêng, ánh lên niềm cảm ơn chân thành. Họ hy vọng những con chữ mà họ đang học sẽ là ánh sáng của cuộc đời, là văn minh của đồng bào thôn, bản.
Để có “lớp học xóa mù”, bốn cô giáo ở điểm trường thôn 3 và 2 giáo viên nam ở điểm trường thôn 4 đã băng rừng lội suối đến từng nhà vận động bà con đi học. Vượt rừng, lội suối đã quá cực nhọc, nhưng đến vận động bà con không chịu đi học càng thất vọng hơn. Nhưng vì quyết tâm “xóa mù vùng lõm”, nên chúng tôi kiên trì thuyết phục. Cuối cùng bà con cũng hiểu ra và theo luôn về trường. 21 học sinh lớp học xóa mù này đều là những người nghèo khó, nhà ở tận rừng sâu, ít khi tiếp xúc với bên ngoài.
Ít ai biết rằng, để đưa 31 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và 21 “học sinh đặc biệt” của “lớp học xóa mù” ở nhiều thôn bản giữa rừng già Cát Tiên đến trường, nhiều thầy, cô giáo đã phải lăn lộn lên rừng chặt cây, dựng chòi dạy học; nhiều bữa ăn cơm nắm, uống nước suối, ngủ giữa rừng sâu. Ngày nắng cũng như mưa, sương lạnh cũng như oi bức; các thầy cô nhiệt tình bám trường dạy chữ.
Ít ai biết rằng, để đưa 31 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 và 21 “học sinh đặc biệt” của “Lớp học xóa mù” ở nhiều thôn bản giữa rừng già Cát Tiên đến trường, nhiều thầy, cô giáo đã phải lăn lộn lên rừng chặt cây, dựng chòi dạy học; nhiều bữa ăn cơm nắm, uống nước suối, ngủ giữa rừng sâu. Ngày nắng cũng như mưa, sương lạnh cũng như oi bức; các thầy cô nhiệt tình bám trường dạy chữ.