Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên: Từ ý Đảng đến lòng dân (Bài 1)

Thuỳ Giang - 12:02, 06/10/2023

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bước vào giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền là sự đồng lòng, chung tay xây dựng NTM của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Một góc nông thôn mới Chà Nưa hôm nay
Một góc nông thôn mới Chà Nưa hôm nay

Đảng khơi nguồn…

Tại Nậm Pồ - một huyện biên giới xa xôi của Điện Biên, xã Chà Nưa được lựa chọn là xã điểm xây dựng NTM. Để triển khai chính sách được bài bản, đồng thuận, huy động được sức dân, Đảng uỷ Chà Nưa đã ban hành Nghị quyết Đảng bộ xã, xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch chi tiết, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức, chung lòng tham gia phong trào.

Ông Khoàng Văn Van (dân tộc Thái), Bí thư Đảng uỷ xã Chà Nưa cho biết, những năm tháng đầu tiên triển khai xây dựng NTM, ông luôn tiên phong trong xây dựng bản làng, lao động sản xuất. Bí thư Khoàng Văn Van hiểu rằng, người đứng đầu nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin theo. Vì vậy, khi triển khai mô hình trồng bí xanh, gia đình ông đã gương mẫu đi đầu. Cho đến khi thấy giàn bí của nhà Bí thư lúc lỉu quả, thương lái đến tận nơi mua hết, bà con mới tin theo. Vụ thu hoạch bí xanh vừa qua, Bí thư Khoàng Văn Van đã bán được 2,2 tấn bí xanh, thu về trên 20 triệu đồng.

Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van (bên trái) tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van (bên trái) tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Học theo gia đình ông, đến nay trong xã Chà Nưa đã có 36 hộ ở các bản Nà Cang, Nà Ín, Pá Có, bản Cấu tham gia trồng bí với tổng diện tích khoảng 3.5ha. Vụ đầu tiên áp dụng khoa học kĩ thuật theo hướng dẫn của Hiệp hội Bí xanh phía Bắc, bà con xã Chà Nưa đã thu hoạch được hơn 12 tấn bí quả, thu về hơn 100 triệu đồng, cao hơn cả 2 vụ lúa. Vườn bí hứa hẹn thu hoạch các đợt sau còn cho năng suất cao hơn đợt đầu tiên. Bí xanh ở Chà Nưa được trồng theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có cung ứng đầu ra nên người dân yên tâm sản xuất. Mô hình sản xuất bí xanh hiệu quả đã giúp Chà Nưa đã giải quyết được 2 tiêu chí khó đạt nhất của NTM là tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo.

Đối với việc xây dựng bản cộng đồng Nà Sự, đích thân Bí thư Đảng uỷ xã Chà Nưa cũng trực tiếp đi học hỏi mô hình du lịch cộng đồng ở tỉnh bạn, huyện bạn. Hầu hết các công việc của xã, ông đều có mặt ở cơ sở để vừa chỉ đạo, vừa động viên. Công tác tuyên truyền, dân vận được Đảng uỷ xã Chà Nưa đặc biệt chú trọng với tôn chỉ gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân. Từ đó dân bản hiểu xây dựng NTM chính là vì dân, cho nên nhân dân Chà Nưa đồng thuận, một lòng xây dựng NTM.

Mô hình trồng bí xanh tại xã Chà Nưa
Mô hình trồng bí xanh tại xã Chà Nưa

Dân “thắp lửa”

Hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, Nhân dân nhiều thôn bản ở Điện Biên đã chủ động tham gia xây dựng NTM trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Bà con cùng bàn bạc, thống nhất cách làm; chủ động chỉnh trang nhà cửa; vệ sinh làng bản, ngõ xóm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; đóng góp sức người, sức của xây dựng các công trình công cộng như đường nội bản, nội xã, nhà văn hoá, trường học, sân vận động… NTM muốn bền vững thì gốc rễ phải là nội lực của vùng nông thôn đó và sức dân. Chỉ khi người dân chủ động, tích cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, cùng đoàn kết, đồng lòng thì xây dựng NTM mới bền vững và đi vào thực chất.

Điển hình cho sự nhiệt tình, trách nhiệm xây dựng NTM ở Điện Biên không thể không kể đến đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ. Bản Nà Sự là đơn vị đi đầu trong xây dựng NTM gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Nậm Pồ. “Vạn sự khởi đầu nan” nhưng toàn dân bản đã không trông chờ, ỉ lại mà chủ động, tích cực chung tay xây dựng bản làng theo mục tiêu đã đề ra. 140 hộ trong bản đã đoàn kết, nhất trí cao thực hiện các nhiệm vụ bước đầu như xây dựng nhà ở, điểm lưu trú mẫu, xây dựng cảnh quan du lịch xanh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, thành lập đội văn nghệ bản… Để hoàn thiện những việc này là rất nhiều nỗ lực, đóng góp ngày công, vật liệu, tiền của của cả bản.

Bản Nà Sự là đơn vị đi đầu trong xây dựng NTM gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Nậm Pồ
Bản Nà Sự là đơn vị đi đầu trong xây dựng NTM gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Nậm Pồ

Anh Thùng Văn Quân, Trưởng bản Nà Sự kể lại: “Khi được vận động xây dựng bản du lịch cộng đồng, 27 hộ dân đã sớm di chuyển chuồng trại và gia súc, ra cầm ra chăn nuôi ở khu vực cách xa bản. Các hộ dân đã chung tay tôn tạo làng bản: dựng nhà cộng đồng, làm đường, đào từng gò đất, nhặt từng viên đá cuội ở suối, thu gom, chở về và sắp xếp lối đi, bờ rào đá theo thiết kế, trồng từng cái cây; góp sức tạo 9 cọn nước lớn, nhiều chòi tre lá cọ để tạo nên bến suối Nậm Bai bản sắc và thơ mộng...”.

Chị Lê Hồng Vân, du khách vui vẻ nói chuyện với chúng tôi: “5 năm rồi, nay mình với quay lại Chà Nưa. Nhà cửa, đường sá, đời sống của người dân phát triển hơn nhiều. Đặc biệt là bản du lịch cộng đồng Nà Sự rất đẹp. Có dịp, mình sẽ đưa các con đến đây trải nghiệm”.

Khẳng định thành quả của sự đoàn kết toàn dân, ông Lò Văn Mai, Bí thư Chi bộ bản Nà Sự cho biết để xây dựng được diện mạo tươi đẹp của Nà Sự ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của cả bản, còn có sự góp sức của các bản xung quanh, của gần 500 đoàn viên, thanh niên đến từ 15 xã trong huyện và hàng ngàn ngày công của các cháu học sinh trường THPT Chà Cang…

Đội văn nghệ của bản du lịch cộng đồng Nà Sự
Đội văn nghệ của bản du lịch cộng đồng Nà Sự

Phát triển du lịch cộng đồng cùng với sản xuất nông lâm ngư nghiệp đã giúp Nà Sự đạt thu nhập bình quân đầu người 34,1 triệu/người/năm, các mặt đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Với những kết quả đạt được, tháng 2/2023 vừa qua, Nhân dân và cán bộ bản Nà Sự đã được UBND tỉnh Điện Biên khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng NTM cấp thôn bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019-2021.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.