Lan tỏa cách làm từ các bản, làng đạt chuẩn NTM
Từ kinh nghiệm thực tiễn xây dựng NTM thành công tại các xã 30a ở một số địa phương, Nghệ An đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp thôn, bản với 13 tiêu chí liên quan để chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã miền núi khó khăn.
Theo đó, căn cứ vào bộ tiêu chí này, các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương, với phương châm, “có nhiều thôn, bản đạt chuẩn NTM sẽ có xã đạt chuẩn NTM”. Dẫn chứng rõ nhất là ở xã Châu Hạnh, huyện miền núi Quỳ Châu là, tiêu chí nào dễ, không cần tiền làm trước; tiêu chí nào khó làm, cần tiền làm sau, không chạy theo thành tích bằng mọi giá, mà xác định rõ là xây dựng được tiêu chí nào, thì người dân thực sự được hưởng thành quả của tiêu chí đó, không huy động quá sức dân… đã giúp Châu Hạnh đạt được nhiều kết quả.
Ông Vi Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho hay: Triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản không những giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, chủ động hơn trong công việc của mình, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, mà còn tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, tiếp đó là các thôn, bản với nhau. Tất cả các nguồn lực cấp trên hỗ trợ, cũng như hoạt động xã hội hóa, thì đều ưu tiên cho những thôn, bản dễ cán đích NTM. Thực tế hiện nay, xã đã có 4 thôn, bản đạt chuẩn NTM từ cách làm này.
Bên cạnh việc xây dựng NTM cấp xã, thì việc xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM đã phù hợp yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các DTTS, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện hệ thống hạ tầng nông thôn vùng miền núi… Chả thế mà ông Vi Văn Vinh, Trưởng bản Yên Hòa xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) chia sẻ, tâm lý người dân ai cũng muốn thôn, bản mình đạt chuẩn NTM để khang trang hơn, sạch đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần nhiều hơn. Vì thế, quá trình xây dựng bản Yên Hòa đạt chuẩn NTM, người dân thấu hiểu cách làm của chính quyền, địa phương nên rất đồng tình, ủng hộ tiền của, ngày công.
Chú trọng tiêu chí mềm
Nhìn từ huyện Tương Dương-một trong những huyện khó khăn nhất ở vùng cao Nghệ An đang dẫn đầu về kết quả xây dựng NTM. Hiện nay, Tương Dương đã có 4 xã đạt chuẩn NTM, có 21 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Ở những xã đã đạt chuẩn NTM là bức tranh tươi mới, sáng sủa; là đời sống của người dân được nâng lên, chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực, tư duy, nhận thức của người dân thay đổi.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Chúng tôi đặt mục tiêu sớm trở thành huyện dẫn đầu về xây dựng NTM ở khu vực miền núi cao. Muốn vậy thì phải thay đổi nhận thức, tư duy với quan điểm “thoát nghèo từ trong nhận thức”; chú trọng vào các tiêu chí mềm, từ đó, tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Chúng tôi cũng phân định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; tiêu chí nào, công trình nào huyện làm; tiêu chí nào, công trình nào xã làm; tiêu chí nào, công việc nào dân làm; công việc nào là Nhà nước và người dân cùng làm.
Ông Hiến thông tin thêm: Huyện xác định “Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau”, quá trình thực hiện xây dựng NTM ở cơ sở, huyện chỉ đạo không chạy theo thành tích bằng mọi giá; cần xác định rõ xây dựng được tiêu chí nào, thì người dân phải thực sự được hưởng thành quả của tiêu chí đó…
Qua tìm hiểu, để một số tiêu chí mềm như: lao động, thu nhập, tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… đạt chuẩn, chính quyền nhiều huyện vùng cao đã chỉ đạo hệ thống chính trị, các tổ chức hội, đoàn thể đi đầu, và cùng người dân tích cực chuyển đổi cây trồng và vật nuôi phù hợp để tăng giá trị thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ. Từ đó, nhiều mô hình chăn nuôi được người dân triển khai rộng rãi.
Như ở huyện Quế Phong, có nhiều mô hình trồng rau quả sạch, dược liệu cho thu nhập cao đã hình thành. Điển hình gia đình anh Trần Văn Thuận ở bản Piềng Văn, xã Đồng Văn, trước đây là một hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Thấy mọi người đóng lồng nuôi cá, lại có cơ chế hỗ trợ ban đầu từ huyện, Thuận vay mượn đầu tư nuôi 60 lồng cá rồi tham gia vào Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Hủa Na. Thuận cười tươi: "Nhà mình đã thoát nghèo rồi. Từ 60 lồng cá, mỗi năm nhà mình thu được 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lại gần 200 triệu đấy.
Xây dựng NTM gắn với môi trường, là phương hướng thực hiện mà Con Cuông đang làm. Môi trường không chỉ là một tiêu chí cứng của chương trình NTM, mà ở Con Cuông – một vùng đất danh lam, thắng cảnh, thì việc đảm bảo tiêu chí môi trường xanh, sạch đẹp, cũng là cách gây ấn tượng và thu hút khách cho ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
“Việc chú trọng phát triển du lịch bền vững sẽ góp phần bảo vệ môi trường, ngược lại bảo vệ môi trường cũng là nền tảng để phát triển du lịch, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa xã hội ở địa phương, nâng cao thu nhập để xóa nghèo, góp phần xây dựng NTM ngày càng vững mạnh…”, ông Lô Văn Lý, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông chia sẻ.
Từ thực tiễn xuất phát điểm xây dựng NTM ở các huyện vùng cao Nghệ An rõ ràng là rất khó, nhưng với cách mà các huyện đang thực hiện là chọn tiêu chí dễ làm trước, chọn xây dựng từng bản, làng đạt chuẩn NTM. Trong một xã có nhiều bản đạt chuẩn, trong một huyện có nhiều bản đạt chuẩn NTM cũng là cách làm hiệu quả, thiết thực để chính người dân-chủ thể xây dựng NTM thấy được ý nghĩa giá trị thực chất của NTM, hơn là cái bằng ghi xã đạt chuẩn theo kiểu chạy theo thành tích...