Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS Quảng Nam: Giữ vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới

T.Nhân - H.Trường - 15:56, 16/06/2024

Quảng Nam có hơn 400 Người có uy tín, đây là một trong những lực lượng nòng cốt, là “cầu nối” để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Cùng với đó, họ là những tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ cho người khó khăn cùng phát triển sản xuất, vận động người dân cùng hiến đất mở đường, góp phần không nhỏ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

Lực lượng Người có uy tín ở Quảng Nam có đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Lực lượng Người có uy tín ở Quảng Nam có đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Góp sức xây dựng thôn, làng

Nhắc đến ông Mạc Văn Min, 70 tuổi, ở thôn Tống Cóoi, xã Ba, huyện Đông Giang nhiều người biết đến. Ông không chỉ là người có tâm huyết sưu tầm và gìn giữ văn hoá truyền thống của đồng bào Cơ Tu mà còn vận động Nhân dân hiến đất mở đường giao thông, xây dựng công trình văn hóa, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng NTM ở xã.

Ông Min cho biết, thời điểm năm 2016, đường đi lại ở thôn Tống Cóoi còn nhiều khó khăn, phần lớn là đường đất. Người dân có nguyện vọng mở đường giao thông để thuận lợi cho việc đi lại, mở rộng giao thương với các xã khác, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là chuyện kinh phí để mở đường. “Gia đình mình đã hiến gần một sào đất để giúp cho việc mở đường được thuận lợi. Sau đó, mình đứng ra vận động người dân trong thôn cùng hiến đất. Trong năm 2016 - 2017, cùng với chính quyền địa phương, tôi đã vận động được gần 20 hộ dân hiến đất để làm các công trình”, ông Min cho hay.

Còn ông Bríu Thiện, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang đã nhiều lần đứng ra vận động người dân hiến đất, góp ngày công để làm nhà Gươl, nhà văn hoá thôn, các tuyến đường liên thôn…

Theo già Thiện, ban đầu vận động rất khó vì người dân chỉ muốn bán đất chứ không muốn hiến. Tuy nhiên, qua nhiều lần vận động, chia sẻ những lợi ích chung, thì dần dần người dân cũng vui vẻ đồng tình. Mình làm gương, vận động con cháu hiến trước. Sau khi mình hiến đất xong, bà con cũng dần dần nghe theo và chung tay vì cái lợi chung của cộng đồng.

Người có uy tín Nguyễn Văn Hồng góp sức giữ gìn cồng chiêng của người Co
Người có uy tín Nguyễn Văn Hồng góp sức giữ gìn cồng chiêng của người Co

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Tại thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, ông Bhling Blóo được biết đến là một điển hình trong việc giữ gìn và phát huy các làng nghề thủ công truyền thống của địa phương.

Già Blóo chia sẻ: Với vai trò là Người có uy tín ở địa phương, được bà con tin tưởng, mình luôn tâm niệm phải gương mẫu trong mọi việc. Bên cạnh đó, mình luôn cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, tìm cách phát huy để có thu nhập từ làng nghề. Bên cạnh đó, mình hướng dẫn cho người dân làm ra những sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng của địa phương, bán ra thị trường mang lại kinh tế cho gia đình.

Tại xã Tam Trà, huyện Núi Thành, có già Nguyễn Văn Hồng dành nhiều tâm huyết bảo tồn cồng chiêng, trang phục truyền thống của người Co. Mặc dù đã 73 tuổi, nhưng mỗi lần gõ chiêng, đôi tay già trở nên mềm dẻo, linh hoạt lạ thường. “Tôi biết chơi cồng chiêng từ 10 tuổi, đến khoảng 18 tuổi thì đã tham gia đi biểu diễn trong các lễ hội. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng để vừa bảo tồn, vừa truyền dạy cho con cháu để giữ nhịp cồng chiêng đồng bào mình”, già Hồng nói.

Chia sẻ về những đóng góp của Người có uy tín, ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong thời gian qua, lực lượng Người có uy tín đã phát huy tốt vai trò của mình đối với cộng đồng ở khu vực họ sinh sống. Sự đóng góp của họ có ý nghĩa về nhiều mặt, để góp phần phát triển bản, làng nơi họ sống, nhất là trong công cuộc xây dựng NTM hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.