Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh Yên Bái; lãnh đạo các huyện Mường La (Sơn La), Than Uyên (Lai Châu); đại diện một số doanh nghiệp, công ty lữ hành hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao sở hữu tiềm năng lớn để phát triển du lịch với nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, thung lũng Nậm Khắt, di tích bãi đá cổ mới được phát hiện ở xã La Pán Tẩn và Lao Chải, đỉnh Lùng Cúng với độ cao hơn 2.900 mét... Cùng với đó là những nét văn hóa riêng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Thái.
Du lịch huyện Mù Cang Chải đã từng bước đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, nổi bật và thu hút khách du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch khai thác cảnh quan ruộng bậc thang.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Mù Cang Chải đón trên 167 nghìn lượt khách, chiếm khoảng 22 % tổng lượt khách du lịch của tỉnh Yên Bái. Mù Cang Chải được đài CNBC của Mỹ đánh giá là địa điểm đáng du lịch trải nghiệm nhất của Việt Nam năm 2020.
Tuy nhiên, du lịch Mù Cang Chải chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào mùa vụ của di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang. Dịch vụ du lịch phát triển tự phát, quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn thu từ du lịch, dịch vụ của huyện còn thấp; hạ tầng du lịch, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối chưa cao...
Đề án được xây dựng với mục tiêu chung là “Phát triển du lịch xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Mù Cang Chải; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, trở thành huyện du lịch và là một trong những điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc Việt Nam.
Thực hiện mục tiêu đó, huyện Mù Cang Chải sẽ tăng cường kết nối về giao thông với Hà Nội, các trung tâm du lịch và đô thị; đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy hoạch mang tính định hướng cho phát triển du lịch. Huyện tập trung duy trì và mở rộng thị trường du lịch nội địa, phục vụ lượng khách du lịch, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa như du lịch cuối tuần, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng.
Huyện chú trọng khai thác, phát triển các loại hình du lịch thể thao, trải nghiệm, mạo hiểm; khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ - du lịch lịch sử, văn hóa; phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, nông nghiệp.
Ngoài ra, huyện quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng du lịch và đào tạo nguồn nhân lực; nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Khu bảo tồn các loài sinh vật cảnh Chế Tạo; quan tâm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến, đề xuất giải pháp thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch trong thời gian tới. Các đại biểu đều cho rằng, phát triển du lịch thu hút được đông đảo du khách nhưng phải giữ được bản sắc, gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên theo hướng “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”, tránh sự phát triển nóng làm phá vỡ cảnh quan, môi trường.
Bên cạnh đó, huyện cần bổ sung tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ mừng cơm mới của người Mông Mù Cang Chải vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào việc phát triển du lịch; khai thác văn hóa độc đáo trong kiến trúc xây dựng của đồng bào dân tộc Mông…
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến các giải pháp về tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển các khu, tuyến, điểm, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; vấn đề xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư, liên kết, kết nối du lịch các địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho du khách...