Giúp trẻ vượt qua nỗi đau
Sau khi những vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, nạn nhân bị tổn hại thân thể, sang chấn tâm lý đều được Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp (BTXHTH) tỉnh Gia Lai tiếp nhận hỗ trợ khẩn cấp và chăm sóc, giúp các em ổn định tâm lý để vượt qua biến cố đau xót này.
Bà Tạ Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 12 trường hợp bị xâm hại tình dục là trẻ em DTTS. Các em khi mới đến Trung tâm luôn có tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi nhưng sau đó đã ổn định tâm lý, vui đùa cùng các bạn. Buồn nhất là, có em nhớ nhà, Trung tâm đưa về thì bị người trong làng kỳ thị, không hòa nhập được với cộng đồng nên lại muốn theo các cô về Trung tâm. Ở Trung tâm, các bé được sống bình yên trong ngôi nhà chung, cán bộ, nhân viên ở đây như là người mẹ thứ 2 và cũng chính là người thầy thuốc chữa lành vết thương tâm hồn của các bé.
Sau hơn 3 năm được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của các cô và vòng tay bạn bè tại Trung tâm, em R.M.M giờ đây không còn nhút nhát, sợ người lạ như những ngày mới vào. M. thân thiện, vui đùa cùng các bạn trong Trung tâm.
“Con ở đây rất vui, đến lớp học có rất đông các bạn cùng chơi, cùng học. Sau này con lớn lên, con sẽ học thật giỏi và quay lại Trung tâm làm việc cùng các mẹ, các cô nuôi dạy tiếp các trẻ em khác”, em M. nói.
Hiện nay, ở Gia Lai còn có Câu lạc bộ Tư vấn, trợ giúp trẻ em do Tỉnh đoàn Gia Lai thành lập, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Theo đó, Câu lạc bộ đã hỗ trợ 4 trẻ em DTTS bị xâm hại tình dục vượt qua nỗi đau, có thêm động lực trong cuộc sống.
Anh Đỗ Duy Nam, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho hay: “Mỗi khi có việc xảy ra, các thành viên trong Câu lạc bộ sẽ tư vấn về nội dung, phương pháp hoạt động cho đoàn thanh niên, hội đồng đội ở các huyện, thị xã, thành phố tham gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, mô hình hỗ trợ trẻ em và lên tiếng bảo vệ trẻ em trước các vụ việc xâm hại quyền trẻ em ”.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ông Võ Như Minh Quang, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: Thời gian qua, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về phòng, chống xâm hại trẻ em; Phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan, tăng cường công tác thông tin, báo cáo, trợ giúp, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại.
Cùng với đó, Sở cũng đã mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp huyện, xã; in cấp phát các loại tờ rơi, tài liệu về kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số đia phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phát hiện trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, kịp thời có biện pháp phòng ngừa. Sau đó, thực hiện quy trình tiếp nhận thông tin, can thiệp, hỗ trợ đối với trẻ em bị xâm hại và trẻ em có nguy cơ bị xâm hại.
Là một người đã nhiều lần tìm đến động viên, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, ca sỹ Thư Kỳ (TP. Hồ Chí Minh) không khỏi xúc động khi trở lại Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai hay các làng vùng đồng bào DTTS. Thư Kỳ tâm sự: “ Các em rất hiền, thân thiện và coi mình như người chị, luôn trông mong mình về nhiều hơn nữa. Mình sẽ trở lại không chỉ nơi đây và còn nhiều thôn, làng khác nữa. Hy vọng, với tình cảm của mình sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin để các em vượt qua nỗi buồn, tiếp tục thực hiện các ước mơ trong tương lai”.
Chúng tôi cần lắm sự chung tay góp sức của toàn xã hội để cùng nhau bảo vệ, che chở, chữa lành vết thương tâm hồn cho trẻ em. Khi cần tham vấn, hỗ trợ khẩn cấp hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số điện thoại đường dây nóng 1800599946.
Tạ Thị Anh ĐàoGiám đốc Trung tâm BTXHTH tỉnh Gia Lai
Để ngăn chặn tình trạng trẻ em DTTS bị xâm hại tình dục ngày càng diễn biến phức tạp, điều đặc biệt quan trọng là, các bậc cha mẹ cần chú ý quan sát, kịp thời phát hiện thay đổi về tâm lý của các con; quan tâm, chăm sóc và tìm hiểu thêm những kiến thức để có thể trao đổi, nhắc con cái cách tự bảo vệ mình, nhất là khi các em đến độ tuổi dậy thì, độ tuổi có nguy cơ cao trở thành nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục. Các nhà trường nên có những tiết học ngoại khóa, trang bị thêm cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng tự vệ; hướng dẫn học sinh cách sử dụng internet, mạng xã hội an toàn phù hợp từng cấp học, tâm lý lứa tuổi, giảm thiểu những tác động tiêu cực.
Thượng tá Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng Công an huyện Kbang cho biết, hiện các địa phương đang phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS bằng những hình thức, nội dung phù hợp. Từ đầu năm đến nay, Công an huyện cũng phối hợp với các xã, thôn, làng, trường học, già làng, Người có uy tín, tổ chức 70 đợt tuyên truyền các nội dung về pháp luật, phòng chống xâm hại trẻ em, đẩy lùi hủ tục… thu hút hơn 7.800 lượt người tham gia nhằm, góp phần đẩy lùi vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em cùng nhiều tệ nạn khác tại các thôn làng”.