Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bạo lực, xâm hại trẻ em: Bao giờ mới có hồi kết?

PV - 17:29, 14/01/2021

Để bảo vệ được trẻ em tránh khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ tiếng nói của các em đến gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.

Dù ở bất cứ môi trường nào trong xã hội, nhà trường hay trong chính gia đình cũng có thể xuất hiện nạn bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.
Dù ở bất cứ môi trường nào trong xã hội, nhà trường hay trong chính gia đình cũng có thể xuất hiện nạn bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Luật Trẻ em do Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016, trong đó, Điều 25 có quy định rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”. (Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức).

Thế nhưng, trẻ em đã thực sự được bảo vệ an toàn hay chưa? Dù ở bất cứ môi trường nào các em đang sống, học tập và nuôi dưỡng như trong xã hội, nhà trường hay trong chính gia đình của các em.

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến nạn bạo lực và xâm hại trẻ em. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2020 cả nước phát hiện 1.945 vụ, xâm hại 2.008 trẻ em (trong đó xâm hại tình dục 1.349 vụ, 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục). Khoảng 97% số vụ được phát hiện những kẻ xâm hại tình dục có quen biết với nạn nhân. Đáng lo ngại hơn, khi xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi và xuất hiện trong cơ sở giáo dục - một môi trường vốn được coi là an toàn, lành mạnh để các em rèn luyện và hoàn thiện nhân cách, người xâm hại lại chính là những người được quyền dạy dỗ nhân cách cho chính các em.

Các vụ việc gây nhức nhối trong dư luận xã hội, tạo nên làn sóng bất an trong thời gian gần đây như: Vụ việc 2 nữ sinh trường cấp 2 ở Biên Hoà bị nhóm học sinh chặn đường, đánh dã man gây phẫn nộ dư luận, nữ sinh cấp II ở Thanh Hóa đã bị nhóm bạn đánh hội đồng, vụ nữ sinh 12 tuổi bị hai thiếu niên thay nhau khống chế hiếp dâm ở Nghệ An, vụ công nhân máy xúc hiếp dâm con gái chủ nhà mới 13 tuổi tại Bắc Kạn, vụ thầy giáo có hành động không đúng mực với nhiều học sinh nữ lớp 5 tại Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Bắc Giang khi nam thanh niên quen nữ sinh 15 tuổi qua mạng xã hội (Facebook) sau đó gọi điện hẹn gặp rồi khống chế cưỡng hiếp… Quá đau lòng khi những vụ việc xảy ra khi các bị hại chủ yếu là trẻ em gái.

Nguyên nhân từ đâu?

Có thể nói, các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đã hình thành như một tệ nạn xã hội đáng báo động. Vậy nguyên nhân nào làm nảy sinh tệ nạn này? Chúng ta cùng tìm hiểu và nhìn nhận từ hai phía:

Thứ nhất, trẻ em là những người dưới 16 tuổi, như vậy người bị hại còn ở lứa tuổi nhỏ, non nớt, chưa đủ sức khỏe, cũng như khả năng tự bảo vệ, ứng phó trước sự xâm hại; còn e sợ trong việc tố giác người xâm hại; còn hạn chế trong nhận thức về các hành vi xâm hại.

Thứ hai, người xâm hại đôi khi chính là những người được cho là người “bảo vệ” các em, như thầy giáo, một người thân trong gia đình các em hay thậm chí là bất cứ một người nào đó trong xã hội có hình thành hành vi xâm hại.

Mạng internet cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những tác động xấu, dễ dàng tạo nên hành vi xâm hại như sự hiếu kỳ, tò mò...
Mạng internet cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những tác động xấu, dễ dàng tạo nên hành vi xâm hại như sự hiếu kỳ, tò mò...

Vậy, do đâu xuất hiện hành vi xâm hại?

Trước hết, chúng ta không thể phủ nhận một sự thật là mặt trái của cơ chế thị trường đã dần dần len lỏi và gây ra những hậu quả tiêu cực trong xã hội. Nguy cơ mất an toàn cho trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều: tác động từ môi trường Internet, khi mà tự do hóa trong khai thác thông tin mạng gây nên những tác động xấu, dễ dàng tạo nên hành vi xâm hại như sự hiếu kỳ, tò mò hay đơn giản chỉ là ‘bắt chước’; xuất hiện tràn lan các ấn phẩm, sản phẩm độc hại không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt mà thiếu đi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng; chưa xây dựng được môi trường an toàn, lành mạnh thực sự cho trẻ từ trong chính gia đình nơi trẻ sinh sống, từ nhà trường nơi trẻ học tập và trong chính xã hội.

Thứ hai, do bất bình đẳng giới, từ định kiến giới và một số quan niệm truyền thống dẫn đến hành vi bạo lực trên cơ sở giới đối với trẻ em, nhất là với trẻ em gái. Thứ ba, do chính những người làm cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng giải quyết về pháp lý, kỹ năng chăm sóc và phục hồi cho trẻ bị xâm hại tình dục về thể chất và tâm lý. Hơn nữa, đối với xã hội, công tác truyền thông về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính cũng như giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình còn bị coi nhẹ, chưa chú trọng ngay khi các em đang học mẫu giáo hay tiểu học. Các trường mẫu giáo, tiểu học cũng như các bậc phụ huynh chưa chú trọng giáo dục con biết cách tự bảo vệ mình.

Giải pháp nào cho chính các em và toàn xã hội?

Từ chính những nguyên nhân trên, chúng ta nhận ra rằng, để bảo vệ được trẻ em tránh khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ tiếng nói của các em đến gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng.

Cần nâng cao nhận thức cho trẻ em về kiến thức pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ mình, quyền được lên tiếng khi bị xâm hại.

Trong gia đình, cha mẹ và các thành viên trong gia đình quan tâm hơn nữa tới mọi mặt của con em mình, có trách nhiệm tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của các em; tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện.

Từ phía nhà trường cần có trách nhiệm tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội nhằm cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; tạo Điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của trẻ; tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Các cơ quan chức năng bảo đảm các thông tin, sản phẩm truyền thông, giáo dục về phòng, chống xâm hại trẻ em; tập trung thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em; hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em thuộc trách nhiệm, thẩm quyền. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp về phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại và xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em.

Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em cho rằng cần triển khai hiệu quả Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Để bảo vệ được trẻ em tránh khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Để bảo vệ được trẻ em tránh khỏi nạn bạo lực, xâm hại tình dục cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Công tác bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Các cơ quan chức năng và Tổng đài 111 (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em) và các địa chỉ tiếp nhận, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em đến được từng lớp học, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn về phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác trẻ em, bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm có nhân lực phụ trách công tác trẻ em ở các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện quyền trẻ em và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt cấp xã; tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên đề việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về trẻ em, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành các nội dung được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 23/CT- TTg ngày 26/5/2020 và Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.