Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đăk Nông: Báo động tình trạng xâm hại tình dục trẻ em

Lê Hường - 14:29, 16/06/2020

Những năm gần đây, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại tỉnh Đăk Nông có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại là hiện nay, hầu hết nạn nhân chưa có kỹ năng tự bảo vệ và việc giáo dục giới tính cho trẻ ở các địa phương vùng sâu vẫn chưa được chú trọng.

Cán bộ y tế vào thôn buôn tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính
Cán bộ y tế vào thôn buôn tuyên truyền về sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính

Ám ảnh những vụ việc xâm hại tình dục

Theo báo cáo giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đăk Nông, trong 4 năm (2015 - 2019), trên địa bàn tỉnh ghi nhận 81 trẻ em gái là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục. Một số liệu khác của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông cũng ghi nhận riêng năm 2019, toàn tỉnh có 6 bé gái (từ 16 tuổi trở xuống) là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục. Hầu hết các nạn nhân là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa.

Tháng 2/2020, một bé gái 9 tuổi, đang học một trường tiểu học trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’Long đã dẫn bố mẹ lên phòng Phó Hiệu trưởng để tố cáo hành vi đồi bại của người bác gây ra cho mình. Khi sự việc bị phát giác, gia đình muốn đi tố cáo hành vi của kẻ đồi bại nhưng liên tục bị đối tượng đe dọa. Thầy Phó Hiệu trưởng đã cùng gia đình học sinh đến UBND xã trình báo. Sau khi Công an vào cuộc điều tra, nắm bắt đầy đủ chứng cứ, đối tượng Triệu Văn Khe (SN 1981) đã bị bắt về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Hoàng Văn Bình (SN 1981), trú xã Đăk R’măng, huyện Đăk G’long cũng dở trò đồi bại với con riêng của vợ. Sau này, cô bé đã kể lại sự việc và nhờ người hàng xóm giúp đỡ, viết đơn tố cáo, đối tượng Bình bị bắt và xử lý hình sự.

Mặc dù kẻ xấu đã phải chịu sự trừng trị của pháp luật, song không thể xóa được ký ức đau thương của đứa trẻ. Báo cáo giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Nông cũng khẳng định, sự việc xảy ra, nạn nhân chính là những bé gái chịu tổn thương nặng nề nhất, không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn là vết sẹo lớn theo suốt cuộc đời của những bé gái này.

Cần những hành động cụ thể

Các cơ quan chuyên môn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên chủ yếu do thiếu hiểu biết về giới tính, sinh lý, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục. Trong khi đó, vấn đề giáo dục giới tính trong trường học, ngoài cộng đồng vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Được biết, hằng năm, vào tháng 6, tháng hành động vì trẻ em, tỉnh Đăk Nông đều tổ chức tuyên truyền, kêu gọi toàn xã hội tổ chức các hoạt động thiết thực vì trẻ em, trong đó, quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em DTTS, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, công tác này mới chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, giáo dục chung chung nên hiệu quả chưa cao.

Những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Gia Nghĩa đã xây dựng một chuyên đề riêng về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Phòng tự bỏ kinh phí, thuê chuyên gia tâm lý, cán bộ y tế về tận trường để nói chuyện với học sinh. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh tiên phong trong việc mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện về vấn đề này.

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Gia Nghĩa cho rằng, những kiến thức về giới tính thì ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn đề cập. Để việc truyền tải nội dung có hiệu quả, Phòng mời chuyên gia tâm lý để họ “nói những gì mà phụ huynh, thầy cô giáo chưa nói”. Kết quả đạt được là, trong những năm qua, địa phương này chỉ xảy ra 1 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

“Tại các buổi nói chuyện, học sinh và giáo viên rất cởi mở, chuyên gia cũng rất nhiệt tình giải đáp. Những điều mà trước đây giáo viên, học sinh e ngại, lảng tránh đều được chuyên gia chia sẻ kỹ, tế nhị và nhẹ nhàng. Phòng sẽ tiếp tục triển khai chương trình này để việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em đạt hiệu quả tốt nhất”, bà Hà cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.