Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xã biên giới Tam Hợp khởi sắc

Vi Hợi - Ngọc Ánh - 06:54, 05/11/2022

Xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) là xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, xác định phát triển kinh tế bền vững, chăm lo nâng cao đời sống cho người dân nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Theo đó, xã Tam Hợp ngày một khởi sắc.

Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy kiểm tra mô hình trồng cây bo bo
Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp (người ngoài cùng bên trái) kiểm tra mô hình trồng cây bo bo

Những mô hình kinh tế hiệu quả

Cách trung tâm huyện Tương Dương gần 30 km, trước kia, khi chưa có giao thông thuận tiện, để vào xã biên giới đặc biệt khó khăn Tam Hợp phải đi cả ngày đường mới tới nơi. Nhưng nay xe bốn bánh chạy bon bon chừng 30 phút là chúng tôi đã có mặt tại trụ sở UBND xã.

Dẫn chúng tôi xuống thăm mô hình phát triển kinh tế của các hộ dân bản Phá Lỏm, ông Lô Vi Lay, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, xã Tam Hợp có 5 bản, với 530 hộ dân, 2.552 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Thái, Mông và Thổ (nhóm Tày Pọng) cùng sinh sống. Trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế, thu nhập của nhân dân thấp. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa thôn còn tạm bợ...

Đứng trước những khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Tam Hợp đã tập trung chỉ đạo ban hành nghị quyết, chương trình hành động phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phân công, gắn trách nhiệm của các cán bộ, công chức xã trực tiếp phụ trách các thôn bản để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và tiêu chí giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ghé thăm các mô hình trồng cây bo bo của bà con dân tộc Mông ở bản Huồi Sơn và Phá Lỏm, chúng tôi thấy cây bo bo được trồng thành từng bụi đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Lê Hồng Thái, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hiện nay, số bo bo mà nhân dân 2 bản Huồi Sơn và Phá Lỏm trồng được trên 18 ha. Trong đó đã có 6 ha cho thu hoạch, mỗi năm thu hoạch từ 36 tấn đến 42 tấn hạt. Với giá thị trường hiện nay là 35.000 đồng/kg thì rõ ràng cây bo bo sẽ là loại cây giảm nghèo bền vững ở Tam Hợp.

Ông Xồng Bá Giày, Bí thư Chi bộ bản Phá Lỏm phấn khởi nói, cây bo bo nằm trong chương trình hỗ trợ của xã. Đây là loại cây mới bước đầu đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. So với trồng lúa, ngô trước đây, loại cây này cho năng suất gấp 2 - 3 lần. Người dân ở đây vừa kết hợp trồng trọt với chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng bán chăn thả, nhiều hộ gia đình cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng, giúp đời sống các hộ gia đình ngày càng được cải thiện tốt hơn và xây dựng nhà cửa khang trang hơn.

Còn gia đình anh Xồng Tồng Ca cùng với 4 hộ gia đình nữa ở bản Phá Lỏm, đang trong giai đoạn trồng thí điểm cây sâm bảy lá. Trong vườn nhà anh Xồng Tồng Ca, chúng tôi đếm được gần 200 gốc. Năm nay là năm đầu cây sâm bảy lá cho thu hoạch củ nên vợ chồng anh rất vui mừng vì sắp có thêm khoản thu nhập.

Anh Xồng Tồng Ca chia sẻ: “Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Trước đây, mình chỉ trồng lúa và ngô trên nương, nuôi vài con gà. Thời tiết thay đổi, cây ngô, cây lúa chỉ cho ít hạt, không đủ ăn. 2 năm lại đây, nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã đã mở ra cho gia đình hướng đi mới, gia đình chuyển một phần đất trồng ngô, lúa sang trồng sắn cao sản, trồng cây bo bo dưới tán rừng, trồng sâm bảy lá, chăn nuôi thêm trâu, bò và dê. Nhà mình hy vọng 1-2 năm tới sẽ không nghèo nữa”.

Nhà anh Xồng Bá Lầu ở bản Phá Lỏm là người đi tiên phong trong việc nuôi dúi ở xã Tam Hợp. Cuối năm 2020, được bạn bè giới thiệu, anh Lầu xuống huyện Con Cuông mua 4 con dúi giống, 1 đực và 3 cái. Sau hơn 1 năm, anh đã có trên 30 con dúi thương phẩm, bán ra ngoài thu về 7,5 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng nhà anh còn 32 con, trong đó có hơn 20 con dúi con.

"Hiện, toàn bản Phá Lỏm có hơn 13 ha bo bo, gần 12 ha sắn cao sản, 18 ha cỏ chăn nuôi và trên 200 con bò... Nhờ sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền xã trong việc tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mà đời sống của người dân từng bước được nâng lên, diện mạo của bản Phá Lỏm bây giờ có nhiều đổi thay. Toàn xã và dân bản đang phấn đấu cuối năm 2022 này bản Phá Lỏm sẽ cán đích nông thôn mới", anh Xồng Bá Giày, Bí thư chi bộ bản Phá Lỏm khẳng định.

Khởi sắc một vùng biên

Bộ đội biên phòng cùng người dân bản Xốp Nặm làm đường xây dựng nông thôn mới
Bộ đội biên phòng cùng người dân bản Phá Lõm làm đường xây dựng nông thôn mới

Rời bản Phá Lỏm, chúng tôi tiếp tục tới thăm bản Huồi Sơn, trước đây là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Tam Hợp. Cả bản có 73 hộ, 407 nhân khẩu dân tộc Mông. Trơng những năm qua, bản Huồi Sơn nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư xây dựng của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình 30a, 135… Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Tam Hợp phối hợp cùng Đồn biên phòng và Tổng đội TNXP 9 đã rà soát những hộ nghèo được hưởng chế độ chính sách để hỗ trợ về vốn, giống cây, con và vật tư nông nghiệp; chủ động tuyên truyền cho bà con chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ trồng lúa, ngô sang trồng cây nghệ đỏ và chăn nuôi bò, lợn. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập bình quân từ 35 đến 40 triệu đồng. “Cuộc sống của người dân trong bản ngày càng khấm khá hơn trước. Bây giờ, bản Huồi Sơn có hơn 35% số hộ khá, giàu”. anh Vừ Chia Lồng, Trưởng bản Huồi Sơn chia sẻ.

Theo ông Lương Phi Thanh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết, những năm gần đây, nhằm phát triển KTXH, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới, xã Tam Hợp đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế xã, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi… Hàng năm, hơn 300 hộ dân được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuồng trại, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ phát triển rừng, khoán chăm sóc bảo vệ rừng... Nhờ đó đến nay, xã Tam Hợp đã có 215 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân tăng từ 18 triệu đồng/người (năm 2020) lên 20 triệu đồng/người (năm 2022). Toàn xã có 52 mô hình kinh tế bền vững (chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng bo bo, nghệ đỏ, nuôi dê, dúi, gà đen thả vườn, lợn đen…). Trong xã đã có 6 hộ gia đình mua ô tô tải để phục vụ sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.

Thông qua các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững và đảm bảo an ninh - chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia. Diện mạo nông thôn của xã biên giới Tam Hợp ngày một khởi sắc. Người dân được giải quyết cơ bản nhu cầu về giao thông, nước sinh hoạt và sản xuất; từng bước giúp nhân dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn.

Bản Xốp Nặm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021
Bản Xốp Nặm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, thời gian tới, xã Tam Hợp tiếp tục lồng ghép linh hoạt hiệu quả Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021-2025). Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu, rộng đến các tầng lớp dân cư nhằm khơi dậy ý chí chủ động, khát vọng vươn lên thay đổi và chuyển biến nhận thức trong đồng bào.

Giai đoạn 2020-2025, xã Tam Hợp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng đội TNXP 9 để phát triển cây nghệ đỏ ở bản Huồi Sơn và xác định đây là cây trồng chủ lực để giảm nghèo bền vững ở bản này. Hiện nay, diện tích trồng nghệ đỏ cả xã đạt tới 15 ha, hàng năm cho khoảng 10 tấn tinh bột. Sản phẩm tinh bột nghệ của Tam Hợp là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Tương Dương, đã và đang được tiêu thủ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh Nghệ An.

Hôm nay, xã biên giới Tam Hợp đã thật sự khởi sắc. Bản nối bản khang trang, sạch đẹp; những vườn nghệ đỏ, bo bo, xen lẫn nương ngô, ruộng lúa, cỏ voi, cỏ xả… xanh mơn mởn hứa hẹn một cuộc sống bình yên, no đủ. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.