Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vườn tượng – Điểm check-in thú vị của du khách khi đến với Măng Đen

Ngọc Chí - 19:08, 02/09/2024

Đến với Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum), ngoài check-in các ngọn thác, lòng hồ, đắm chìm trong mây sớm với thông reo, sương lạnh, du khách còn được khám phá những bức tượng gỗ để hiểu thêm về đời sống văn hóa, tinh thần của con người nơi đây.

Chợ phiên Măng Đen luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách
Chợ phiên Măng Đen luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách

Dưới tán rừng thông với sương mù phảng phất, hàng trăm bức tượng gỗ dân gian được trưng bày tại chợ phiên Măng Đen. Vườn tượng tạo nên không gian kỳ thú, mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên.

Chị Nguyễn Hoài Phương - Du khách đến từ Tp. Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ: Vào khu vực Chợ phiên Măng Đen điều thú vị nhất là thấy hàng trăm bức tượng gỗ mang đậm sắc thái văn hóa của đồng bào DTTS. Qua những bức tượng gỗ này tôi phần nào hiểu thêm về văn hóa, đời sống của đồng bào các DTTS nơi đây.

Vườn tượng tại không gian Chợ phiên Măng Đen
Vườn tượng tại không gian Chợ phiên Măng Đen


Tạc tượng gỗ dân gian là loại hình nghệ thuật lâu đời của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Kon Tum nói riêng. Bằng những công cụ thô sơ như rìu, dao, đục và tư duy sáng tạo, người nghệ nhân đã tạo nên những bức tượng gỗ sống động, mô tả chân thực về cuộc sống nương rẫy, săn bắn, tập tục, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các DTTS ở Tây Nguyên. Không chỉ dừng lại ở đó, những bức tượng còn là những tác phẩm mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nghề thủ công độc đáo, chứa đựng giá trị truyền thống vô cùng qúy giá. Bên cạnh việc coi tượng gỗ là biểu tượng tâm linh, đồng bào Tây Nguyên còn dùng để trưng bày, trang trí nơi sinh hoạt cộng đồng.

Tại không gian chợ phiên Măng Đen, mỗi xã trên địa bàn huyện Kon Plông sẽ có một gian hàng để bày bán những mặt hàng nông sản truyền thống của đồng bào DTTS và trưng bày những bức tượng gỗ như một cách để giới thiệu với du khách về nghệ thuật tạc tượng gỗ của đồng bào DTTS.

Những bức tượng gỗ sống động, mô tả chân thực về cuộc sống và văn hóa cộng đồng của đồng bào DTTS ở Kon Tum
Những bức tượng gỗ sống động, mô tả chân thực về cuộc sống và văn hóa cộng đồng của đồng bào DTTS ở Kon Tum

Ông A Lễ (dân tộc Xơ Đăng), xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết: Tượng gỗ thể hiện đời sống, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào DTTS, như: Tượng người đàn ông ngồi uống rượu ghè, người phụ nữ địu con, người đàn ông đội nước, người đàn ông vác nỏ đi rừng… Để có được một tác phẩm hoàn chỉnh là cả một quá trình gian nan, vất vả của người thợ. Việc trưng bày tượng gỗ ở không gian chợ phiên Măng Đen, tôi cảm thấy rất vui, qua đây giới thiệu văn hóa của đồng bào DTTS đến với du khách gần xa.

Ngoài việc trưng bày tượng gỗ tại không gian Chợ phiên Măng Đen, mới đây, UBND huyện Kon Plông đã đầu tư xây dựng thêm Vườn đá nghệ thuật Măng Đen. Vườn được đầu tư xây dựng với ba nội dung chính, đó là: Tạo không gian nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; tạo ra một điểm đến cho Nhân dân và khách du lịch khi đến với Măng Đen; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Vườn đá nghệ thuật Măng Đen là điểm đến thú vị của du khách
Vườn đá nghệ thuật Măng Đen là điểm đến thú vị của du khách

Vườn đá nghệ thuật Măng Đen được đầu tư đồng bộ với các phân khu: Tượng đài chiến thắng Măng Đen, hội trường trung tâm, chợ phiên, khu ẩm thực, cùng các hạng mục công trình phụ trợ, hệ thống giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, cây xanh, vườn hoa anh đào... tạo thành một quần thể không gian mang đậm nét đặc trưng riêng. Công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng góp phần phát triển không gian kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển đô thị Du lịch sinh thái. Đồng thời, phát triển, mở rộng không gian thưởng thức các giá trị văn hóa của người dân trên địa bàn và khách du lịch khi đến với Kon Plông.

Anh Trần Quang Long – Du khách đến từ Tp. Huế chia sẻ: Không gian Vườn đá nghệ thuật Măng Đen này rất thú vị. Tôi và gia đình đã vào đây để lưu lại những bức ảnh đẹp. Những bức tượng thô ráp, đơn sơ nhưng rất có hồn, cộng với không gian bài trí với đá tự nhiên tạo ra một không gian thiên nhiên thật hoang sơ.

Du khách ghi lại những bức ảnh đẹp tại không gian Vườn đá nghệ thuật Măng Đen
Du khách ghi lại những bức ảnh đẹp tại không gian Vườn đá nghệ thuật Măng Đen

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Kon Plông lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn và đầu tư phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, trung tâm thị trấn Măng Đen được xác định là trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trung tâm đô thị du lịch sinh thái tầm Quốc gia và khu vực. Vì vậy, trong những năm qua, huyện Kon Plông đã quy hoạch và tập trung ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị của huyện theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu xây dựng một đô thị "xanh, sạch, đẹp" xứng đáng là Vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông và Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.

Với sự đầu tư đồng bộ, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen đang là điểm đến hấp dẫn của du khách. Riêng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, hàng ngàn du khách đã đến với Măng Đen; trong đó, không gian Vườn đá nghệ thuật Măng Đen, Chợ phiên Măng Đen là những điểm được du khách thăm quan nhiều nhất. 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.