Đây là lần thứ 3 hội thi được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Một điểm khác năm nay, chất liệu để nghệ nhân tạo nên tác phẩm mỹ nghệ là từ những gốc cà phê già.
Tham gia Hội thi, các nghệ nhân có dịp thể hiện niềm đam mê, sáng tạo trong nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ gốc cây cà phê. Qua đó, phát huy giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị cây cà phê, giúp người nông dân có thêm thu nhập sau khi phá bỏ cây cà phê già cỗi. Đồng thời, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.
Sau 3 ngày, các nghệ nhân đã hoàn thành 48 tác phẩm mỹ nghệ khắc họa đậm chất đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Nguyên. Mỗi tác phẩm mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều được chế tác hoàn toàn thủ công và được tạo hình bởi ý tưởng và bằng đôi tay tài hoa của người nghệ nhân. Các tác phẩm hoàn thiện sẽ được giới thiệu đến Nhân dân và du khách.
Tham gia Hội thi chế tác, nghệ nhân Y Ser Bkrông (SN 1985) ở xã Ea Kao, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và 2 người bạn tạo ra 6 tác phẩm tượng gỗ dân gian từ nguyên liệu là gốc cà phê với 3 chủ đề gồm: Lễ hội; Đi rẫy và Cô gái tắm.
Nghệ nhân trẻ Y Ser Bkrông chia sẻ: Các tác phẩm của nhóm mình tái hiện văn hóa, đời sống thật của người Ê Đê ngày xưa. Tác phẩm “Uống rượu cần” gồm 2 tượng là hai người đàn ông uống rượu cần và người đàn ông múa khiêng thể hiện không không gian lễ hội. Ngày xưa mỗi khi có lễ hội là có diễn tấu cồng chiêng, chủ nhà đều phải mời các già làng, Người có uy tín đến mừng lễ hội phải có người đàn ông múa khiêng, già làng, Người uy tín uống rượu dưới cây nêu. Tác phẩm “Đi rẫy” gồm ông già vác sà gạc và người phụ nữ gùi nước, tái hiện cảnh ông già đi rẫy đợi người vợ đi lấy nước; “Cô gái tắm” kể về một cảnh sinh hoạt ngày xưa, bà con trong buôn ra suối, bên nước tắm. Cô gái thường tìm chỗ kín đáo để tắm, nhưng ở suối thường có nhiều cây cối nên vẫn có con khỉ và cú mèo trong rừng nhìn trộm.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức hội thi, các nghệ nhân đã thể hiện được tài năng, sức sáng tạo, có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, ngoài việc đạt các được yêu cầu, tiêu chí của hội thi, nhiều nghệ nhân với sự chuyên nghiệp của mình đã làm nên nhiều tác phẩm mới lạ, tính thẩm mỹ cao.
Tham gia hội thi, Nghệ nhân Ưu tú Y Nay Ksơr xã Ea Ral, huyện Ea H’leo chế tác tác phẩm “Lễ bỏ mã người Gia Rai” với câu chuyện nhân văn về lễ bỏ mã của đồng bào Gia Rai. Nghệ nhân Y Nay chia sẻ: Mình chuyên về cồng chiêng, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc và cũng rất yêu thích chế tác tượng gỗ. Mỗi khi buôn làng có Lễ bỏ mã người trong buôn làm tượng để cúng bỏ mã mình thường quan sát rất kỹ. Mình không được truyền dạy, chỉ nhìn theo rồi bắt trước và trí tưởng tượng mình tạo ra các bức tượng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, người chết về với rừng, khi làm lễ bỏ mã sẽ đặt 4 bức tượng này vào 4 góc nhà mồ tượng trưng 4 hướng. Bức tượng bỏ mã có hình các con vật trong rừng, búp măng và khuôn mặt người tượng hình của người quá cố.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng nhận định: Hội thi đã lan tỏa được tinh thần sôi nổi, tích cực, ý tưởng, sáng tạo của các nghệ nhân, tạo hiệu ứng tích cực trong việc giữ gìn bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật của con người Tây Nguyên. Mong rằng các nghệ nhân tiếp tục phát huy tài năng, truyền dạy, bồi dưỡng lớp trẻ để tiếp tục phát triển văn hóa, thủ công mỹ nghệ của Tây nguyên riêng và Việt Nam nói chung.
Một số tác phẩm tượng gỗ chế tác từ cây cà phê