Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vùng DTTS tỉnh Lào Cai trước cơ hội phát triển mới

SỸ HÀO - 10:00, 01/10/2019

Sau 5 năm (2014-2019), cùng với sự phát triển chung của tỉnh, vùng đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng để cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc Lào Cai phấn đấu thực hiện những mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III-năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng thăm, tặng quà gia đình người có công, gia đình chính sách huyện Mường Khương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng thăm, tặng quà gia đình người có công, gia đình chính sách huyện Mường Khương.

Chuyển biến rõ nét vùng đồng bào DTTS

Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có diện tích tự nhiên đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; dân số 730.420 người, gồm 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Ở Lào Cai có dân tộc Bố Y và dân tộc Phù Lá, là hai DTTS ít người sinh sống tập trung tại 37 thôn của 22 xã thuộc 6 huyện (Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa, Bắc Hà và Mường Khương). Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 37/164 xã thuộc khu vực II, 102/164 xã thuộc khu vực III và 2 xã biên giới được hưởng Chính sách 135.

Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong 5 năm qua, Lào Cai được bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương đầu tư vào vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Chỉ tính riêng Chương trình 135, giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã được bố trí gần 877,7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (xây dựng mới 1.237 công trình, gồm: 617 công trình đường giao thông, 204 công trình trường học, 59 công trình thủy lợi, 40 công trình điện sinh hoạt nông thôn, 48 công trình nước sinh hoạt, 191 công trình nhà văn hóa...) và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Tại 37 thôn có đồng bào dân tộc Bố Y, Phù Lá, tỉnh đã được ngân sách Trung ương bố trí trên 29,65 tỷ đồng (năm 2018 trên 12,7 tỷ đồng, năm 2019 trên 16,95 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là 12 tỷ đồng, đào tạo cán bộ theo Quyết định 2086/QĐ-TTg...

Ông Nông Đức Ngọc cho biết, trong quá trình thực hiện, điểm nhấn của tỉnh là đã lồng ghép nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã dành khoảng 70% nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, hiện 100% xã trên địa bàn đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 163/164 xã được nâng cấp rải nhựa đạt tiêu chuẩn (chỉ còn 15km vào xã Nậm Chày đang được nâng cấp); 135/164 trạm Y tế xã được đầu tư xây mới; 100% các cơ sở giáo dục có lớp học kiên cố…

Việc triển khai sáng tạo, có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển tương đối đồng đều của các cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh. Tính từ sau Đại hội Đại biểu lần thứ II-năm 2014 đến nay, vùng đồng bào DTTS Lào Cai đã có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2014-2018, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 5-6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2018 xuống còn 16,25%. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình kinh tế do đồng bào DTTS làm chủ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; thậm chí có những mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục-thể thao vùng đồng bào DTTS của tỉnh cũng đã có nhiều đột phá, chất lượng ngày càng được nâng cao. Chỉ tính năm học 2018-2019, trong 44 em học sinh đạt giải cấp quốc gia thì có 3 em là người DTTS. Đối với lĩnh vực y tế, toàn tỉnh hiện có 857 bác sĩ, trong đó có 212 bác sĩ là người DTTS. Lĩnh vực thể thao, tỉnh cũng đã có nhiều vận động viên là người DTTS đạt giải các cấp, tiêu biểu như vận động viên cử tạ Hoàng Thị Duyên, dân tộc Giáy, đạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. Duyên cũng đã giành Huy chương Bạc giải Vô địch cử tạ nữ thế giới…

Đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh

Theo Trưởng Ban Dân tộc Nông Đức Ngọc, một trong những thế mạnh của tỉnh là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, tỉnh xác định các giá trị văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các DTTS.

Dẫn chứng rõ nét nhất là việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vào phát triển du lịch của tỉnh. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng mô hình du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng DTTS. Việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các DTTS, với mức thu nhập bình quân từ du lịch cộng đồng đạt 25-35 triệu đồng/hộ/năm.

Triển khai sáng tạo, có hiệu quả lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS của tỉnh; đồng thời cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Lào Cai. Từ năm 2014 đến nay, Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, hoàn thiện; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị ổn định; diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc (hiện tỉnh đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 96% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra); đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Với riêng lĩnh vực kinh tế, giai đoạn 2014-2018, tỉnh đạt mức tăng trưởng đạt 10,02%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt 38.368 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn hiện đạt 50,54 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Chỉ tính giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 đạt 29.043 tỷ đồng, tăng gần 2,7 lần so với năm 2014; trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 20.829 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Các hoạt động thương mại-dịch vụ cũng khá sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2018 đạt trên 23.238 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm đạt 15.781 tỷ đồng. Đặc biệt, với lĩnh vực du lịch, năm 2018 Lào Cai đón trên 4,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với năm 2014; doanh thu du lịch đạt 13.406 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2019, tỉnh cũng đã đón khoảng 3,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 14.411 tỷ đồng.

Những thành tựu của vùng đồng bào DTTS nói riêng, của tỉnh nói chung là cơ sở để Lào Cai tự tin đặt ra những chỉ tiêu đột phá trong thời gian tới. Bởi Lào Cai có tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các DTTS...

Quan trọng hơn, những năm tới, các chủ trương, chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi của Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Lào Cai ngày càng phát triển. Đặc biệt, tới đây khi Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, do Ủy ban Dân tộc xây dựng được Quốc hội thông qua, trở thành “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thực hiện từ năm 2021 sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho vùng DTTS và miền núi của tỉnh Lào Cai.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.