Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển: Nghĩa tình nơi biên giới (Bài 2)

Khánh Thư - 11:23, 11/11/2022

Dọc dải biên cương, cư dân hai bên biên giới có mối quan hệ khăng khít; một bộ phận dân cư có quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời. Tình nghĩa đó được vun đắp thêm từ việc Nhân dân hiểu rõ và thực hiện hiệu qủa chủ trương tăng cường giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ lẫn nhau của Đảng, Nhà nước ta.

Biên giới vững chãi hơn từ nghĩa tình sắt son của quân và dân hai bên biên giới (Trong ảnh: Hoạt động tuần tra song phương giữa Đồn Biên Phòng Hồ Le- Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia- Ảnh TL)
Biên giới vững chãi hơn nhờ được củng cố bằng nghĩa tình sắt son của quân và dân hai bên biên giới (Trong ảnh: Hoạt động tuần tra song phương giữa Đồn Biên Phòng Hồ Le- Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia- Ảnh TL)

Son sắt một dải biên cương

Dòng sông Sê San (còn gọi là sông Pô Cô) hùng vĩ, dài 237km, có điểm đầu từ độ cao 2.517m trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc dãy Trường Sơn xuôi dần về phía hạ lưu, chảy qua địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum, sau đó đổ vào Campuchia và hòa vào dòng Mê Kông. Dọc đôi bờ Sê San, những cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới, đùm bọc lẫn nhau đã và đang thắt chặt thêm nghĩa tình ở vùng phên dậu.

Làng Biă (xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đối diện với làng Phí (xã Sê San, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) qua dòng Sê San. Làng có 297 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Gia Rai. Làng Biă đã đạt chuẩn NTM năm 2020, đang tiến hành xây dựng NTM nâng cao. Tại thời điểm “về đích” NTM, làng chỉ còn 18 hộ nghèo; trong đó có 10 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất và vừa tách hộ.

Làng Bi, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) kết nghĩa với làng Tăng Lôm, xã Nhang (huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) từ năm 2014. (Ảnh TL)
Làng Bi, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) kết nghĩa với làng Tăng Lôm, xã Nhang (huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) từ năm 2014. (Ảnh TL)

Ông Siu Tới, người được suy tôn làm già làng làng Biă từ năm 2012 đến nay, phấn khởi khoe: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên cuộc sống của người dân trở làng Biă nay khấm khá lắm. Hiện nay, làng mình có nhiều hộ giàu, nhiều hộ thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng; nhiều gia đình có ô tô, công nông và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Điều làm già làng Siu Tới tâm đắc nhất là tình nghĩa thủy chung giữa Nhân dân làng Biă với Nhân dân làng Phí ở đối diện dòng Sê San ngày càng bền chặt. Uống chung dòng nước, bao đời nay, cư dân đôi bờ luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Trong quá trình giao lưu, hỗ trợ nhau, người dân hai làng thường xuyên được chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng tuyên truyền thực hiện tốt quy chế khu vực biên giới; các hiệp định, hiệp nghị đã được ký kết giữa Chính phủ 2 nước. Bởi thế, mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai làng tiếp tục được củng cố bằng tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau.

Để vun đắp thêm tình nghĩa, ngày 5/10/2019, làng Biă và làng Phí tổ chức lễ kết nghĩa theo mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”. Hoạt động ý nghĩa này làm bền chặt hơn mối quan hệ dân tộc, thân tộc vốn có từ lâu đời giữa Nhân dân hai bên biên giới. Tính từ thời điểm kết nghĩa đến nay, 2 làng đã phối hợp tuyên truyền được 2 buổi với 83 người tham gia; tổ chức thăm, tặng 100 suất quà cho 100 hộ của 2 làng với tổng kinh phí 10 triệu đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, 2 làng tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ. Qua đó, bà con 2 làng đã cùng nhau học hỏi, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ.

Đại diện Đồn Biên phòng Ia Chía tặng quà và trao học bổng cho em Rah Lan Mương (làng Phí, xã Sê San) từ Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Ảnh: Đ. Y
Đại diện Đồn Biên phòng Ia Chía tặng quà và trao học bổng cho em Rah Lan Mương (làng Phí, xã Sê San) từ Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Ảnh: Đ. Y

Tại buổi giao lưu đối ngoại giữa xã Ia Chía với xã Sê San và sơ kết 3 năm phong trào kết nghĩa giữa làng Biă với làng Phí được tổ chức ngày 19/8/2022, ông Rơ Lan Gâu, Chủ tịch UBND xã Ia Chía, cho biết: Qua kết nghĩa, việc mua bán, trao đổi hàng hóa và qua lại thăm thân được thuận lợi hơn giúp người dân 2 làng giao lưu, học hỏi, đồng thời có cơ hội nắm bắt và giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới. Việc kết nghĩa càng củng cố niềm tin, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa chính quyền và Nhân dân 2 làng, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Năm 2016, Bộ tư lệnh BĐBP đã phát động, triển khai Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhằm giúp đỡ các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người DTTS. Tính đến tháng 3/2022, toàn lực lượng BĐBP đã đỡ đầu hơn 5.000 học sinh với tổng số tiền khoảng 95 tỷ đồng; trong đó, có gần 1.000 em mồ côi và gần 200 em ở khu vực biên giới của nước bạn Lào và Campuchia.

Củng cố tình đoàn kết

Cũng như làng Biă và làng Phí, dọc tuyến biên giới trên đất liền của nước ta với nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia, tình nghĩa của Nhân dân ở các cụm dân cư hai bên biên giới càng gắn bó hơn sau khi tổ chức kết nghĩa. Các hoạt động đối ngoại giữa các cụm dân cư kết nghĩa, giữa chính quyền địa phương của hai bên đã tạo động lực mạnh mẽ tiếp tục củng cố và vun đắp quan hệ hợp tác bảo vệ biên giới, vì một đường biên giới hai nước hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo tài liệu đăng trên “Sự kiện và Nhân chứng” (Nguyệt san của Báo Quân đội Nhân dân), phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” khởi điểm từ mô hình “Kết nghĩa bản-bản” cho các cụm bản giáp biên, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị triển khai năm 1994. Người xây dựng và triển khai mô hình là Chỉ huy trưởng Trần Đình Dũng (năm 2007 được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BĐBP, quân hàm Thiếu tướng; nghỉ hưu năm 2013).

Sau gần 20 năm, mô hình “Kết nghĩa bản-bản” đã được nhân rộng trên cả nước và từ năm 2014 có một tên gọi mới là Phong trào “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, với nhiều hình thức phong phú. Từ phong trào này, công tác đối ngoại giữa hai quốc gia ở vùng biên trở thành những việc rất cụ thể của làng, của xã, của các dòng họ hai bên biên giới, với sự chung tay của lực lượng BĐBP Việt Nam.

Tại buổi giao lưu đối ngoại giữa xã Ia Chía (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) với xã Sê San (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) và sơ kết 3 năm phong trào kết nghĩa giữa làng Biă với làng Phí ngày 19/8 vừa qua, các đại biểu đều cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của gia đình anh Ksor Pal, người dân làng Phí, xã Sê San. Vợ anh mất cách đây 1 năm do mắc bệnh hiểm nghèo, anh Ksor Pal chật vật một mình nuôi 4 con nhỏ, trong khi công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Ở vùng phên dậu không chỉ có tình quân – dân như “cá với nước” mà còn hiện hữu mối lương duyên bền chặt của quân và dân hai bên biên giới. (Trong ảnh: Đồn Biên Phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tặng gạo và nhu yếu phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới và bà con Nhân dân bản A via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào - Ảnh: dangcongsan.vn)
Ở vùng phên dậu không chỉ có tình quân – dân như “cá với nước” mà còn hiện hữu mối lương duyên bền chặt của quân và dân hai bên biên giới. (Trong ảnh: Đồn Biên Phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tặng gạo và nhu yếu phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới và bà con Nhân dân bản A via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào - Ảnh: dangcongsan.vn)

Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình anh, Đồn Biên phòng Ia Chía (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai) nhận đỡ đầu cháu Rah Lan Mưng, sinh năm 2013, con trai anh Ksor Pal theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Rah Lan Mưng là con nuôi thứ hai của Đồn tính từ khi hai làng kết nghĩa đến nay. Trước đó, Đồn Biên phòng Ia Chía đã nhận cháu Ksor Hyênh, ở làng Phí, sinh năm 2006 làm con nuôi và hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng.

Không chỉ giúp đỡ nhau để vươn lên mà Nhân dân ở những cụm dân cư kết nghĩa hai bên biên giới còn nương tựa vào nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Nghĩa tình nới biên gới bởi vậy càng thêm bền chặt, sắt son.

Cách làng Biă (xã Ia Chía) một quãng sông Sê San là làng Bi, xã Ia O, cũng thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Làng Bi kết nghĩa với làng Tăng Lôm, xã Nhang (huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) từ năm 2014. Mối “lương duyên” của hai làng ngày càng bền chặt, với sự “trợ duyên” của Đồn Biên phòng Pô Cô (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai).

Già làng Ksor Bơng – “cây đại thụ” của làng Bi, vẫn nhớ rất rõ những lần hai bên giúp đỡ nhau vượt qua hoạn nạn. Đó là lần các chiến sỹ Đông Biên phòng Pô Cô khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên sông Sê San thì gặp các cháu nhỏ của làng Tăng Lôm đang tắm sông bị nước cuốn trôi. Bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ đã lao ra giữa dòng nước lũ, cứu hai cháu nhỏ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Rồi có lần, khi tham gia ứng cứu Nhân dân trong mua mưa lũ năm 2009, phương tiện của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Pô Cô, bị cuốn theo dòng nước xiết. Phía bạn đã nhanh chóng huy động lực lượng ra cứu kéo. Hơn một giờ vật lộn với dòng nước xiết, rất may lực lượng của hai bên đều an toàn…

Khó có thể kể hết những hoạt động “tương thân,tương ái” của Nhân dân và lực lượng vũ trang trên dọc dải biên cương của Tổ quốc. Ở đó không chỉ có tình quân – dân như “cá với nước” mà còn hiện hữu mối lương duyên bền chặt của quân và dân hai bên biên giới, góp phần vào mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia chung đường biên giới.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.