Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vĩnh Phúc chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc

Xuân Hải - 19:12, 11/06/2023

Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Hiện nay, trước những thách thức đặt ra của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn, góp phần tăng cường khối Đại đoàn kết dân tộc.

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hoá dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị

Bám sát chủ trương từ Trung ương, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào DTTS có trên 55.000 người (chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Tày, Nùng, Mường… Các DTTS sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán riêng, tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Vĩnh Phúc được triển khai sâu rộng, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp, gần 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, trên 90% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc khu thể thao bảo đảm tiêu chí theo quy định. Chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày một được nâng cao.

Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Trong đó, chú trọng bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc, từng bước xóa bỏ các hủ tục.

Ngoài ra, địa phương cũng chủ động đẩy mạnh giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa các dân tộc. Từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa, quảng bá bản sắc các dân tộc trên địa bàn tỉnh tới nhiều địa phương khác trong cả nước. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa.

Nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian của người Sán Dìu ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được thành lập để giữ gìn, phát huy giá trị điệu Soọng cô.
Nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian của người Sán Dìu ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được thành lập để giữ gìn, phát huy giá trị điệu Soọng cô

Nhiều giá trị văn hóa cần được bảo tồn, phát triển

Điệu Soọng cô là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào Sán Dìu ở huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc). Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc này, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tam Đảo đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, mang lại hiệu quả tích cực.

Hát Soọng cô thường diễn ra vào dịp nông nhàn, sau khi thu hoạch vụ mùa vào tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc trong các dịp lễ hội, Tết đến Xuân về, đám cưới, hát giao duyên, đón bạn bè, anh em…Các điệu hát Soọng cô giàu tính dân tộc, phản ánh cuộc sống lao động của Nhân dân, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi của người Sán Dìu. Đặc điểm các bài hát dân ca của dân tộc Sán Dìu thường có 4 câu 7 chữ, gọi là “ thất ngôn tứ tuyệt" hoặc 28 chữ hay 24 chữ. Những bài hát chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Hán nôm. Lời bài hát có nhiều ẩn ý, nhiều khi phải suy ra nên lời bài hát rất uyên thâm.

Mỗi cuộc hát Soọng cô có thể kéo dài 5 - 7 ngày, có khi tới 15 ngày, từ làng này qua làng khác. Trình tự cuộc hát thường bắt đầu từ “hát làm quen”, đến “hát chào hỏi”, “hát mời nhau uống nước, ăn trầu”, “hát tâm tình đôi bên nam nữ”, “hát sang canh gà gáy”, “hát chia tay”…

Tuy vậy, ngày nay, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc diễn ra mạnh mẽ, nên các nét văn hóa truyền thống của người Sán Dìu ít nhiều bị mai một, trong đó có cả làn điệu Soọng cô. Các nam thanh, nữ tú cũng không còn tụ tập thành các đám hát nữa. Bên cạnh đó, dân ca Sán Dìu chủ yếu được truyền khẩu trong dân gian, lớp trước truyền cho lớp sau, nhưng các làn điệu dân ca Soọng cô cổ hầu như chỉ còn lưu giữ ở một số người tuổi xế chiều, bởi họ được học chữ Nôm Sán Dìu dẫn đến một số bài hát truyền khẩu đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Đứng trước thực tế đó, các cấp chính quyền huyện Tam Đảo đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng và hỗ trợ thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian của người Sán Dìu để bảo tồn loại hình dân ca độc đáo này.

Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mang nhiều giá trị văn hoá đặc sắc.
Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) mang nhiều giá trị văn hoá đặc sắc

Hiện, toàn huyện đã thành lập được hơn 20 CLB hát Soọng cô, riêng xã Đạo Trù có 15 CLB với đông đảo hội viên và nghệ nhân tham gia. Các CLB đã tập hợp được những hạt nhân văn nghệ, trong đó có nhiều gương mặt trẻ đầy triển vọng để tiếp thu tinh hoa truyền thống và lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ngoài duy trì sinh hoạt thường xuyên, các CLB tích cực tham gia biểu diễn, giao lưu để học hỏi, sưu tầm các làn điệu cổ, giới thiệu rộng rãi tới Nhân dân trong và ngoài tỉnh về nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu tại Vĩnh Phúc.

Một giá trị văn hóa nổi tiếng khác tại Vĩnh Phúc phải kể tới là Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng. Đây là một chuỗi các thực hành văn hóa của cộng đồng cư dân làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (nay là xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường) trong chu kỳ 1 năm, với hạt nhân tín ngưỡng là việc phụng thờ chung Thành hoàng.

Lễ hội được tổ chức trên quy mô cấp xã, trung tâm là không gian các di tích như đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ và đình Đồng Vệ - nơi diễn ra hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội. Hình thức văn hóa dân gian này được duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức cao dày của vị Thành hoàng là Bán thiên Đại Vương. Theo truyền thuyết, ngài là vị tướng tài thời Hùng Vương thứ 6 đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, dạy dân bách nghệ (trăm nghề) (nguồn gốc của hội trình nghề).

Trải qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử, đến nay, Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vẫn duy trì 3 lễ hội truyền thống được tổ chức định kỳ, là Lễ hội "Trâu rơm bò rạ" (ngày 4 tháng Giêng), Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh (ngày 20 tháng Giêng), Lễ hội Tiệc mừng công - Lễ rước kiệu (tháng 9 âm lịch). Với giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.