Đầu tư, tạo điều kiện để đồng bào vươn lên
Ở huyện Hà Quảng, đồng bào dân tộc Mông chiếm phần lớn dân số với gần 2.000 hộ gia đình, nhưng có đến gần 80% thuộc diện hộ nghèo. Đây chính là điểm yếu để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo nhiều người dân tham gia các tổ chức bất hợp pháp, gây mất ổn định an ninh trật tự.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương bằng các chương trình, dự án chính sách dân tộc; bằng các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia..., những năm qua cuộc sống của người Mông ở Hà Quảng từng bước được cải thiện.
Điển hình gần đây nhất, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ cho hơn 1.400 hộ đồng bào DTTS khó khăn, trong đó có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông tại huyện Hà Quảng được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở, cấp đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Ngồi trong căn nhà mới xây dựng khang trang, anh Ngô Văn Nó, dân tộc Mông ở xóm Lũng Tu, xã Thượng Thôn không giấu được sự vui mừng hồ hởi cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, từ năm 2022, gia đình được hỗ trợ tiền để xây dựng nhà. Nhờ sự giúp đỡ rất lớn về ngày công của cán bộ xã và bà con trong xóm, sau gần 2 tháng ngôi nhà được hoàn thiện được ngôi nhà mới. Chúng tôi không còn ở trong ngôi nhà cũ giột nát nữa, gia đình chúng tôi rất phấn khởi.
Theo ông Hoàng Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn, cùng với sự hỗ trợ về cây, con giống, nông cụ, vay vốn ưu đãi, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất. Qua đó, từng bước giúp người dân ổn định đời sống.
Còn đối với xóm vùng cao Khau Ho của xã Xuân Lập, huyện Bảo Lạc, từ một xóm vùng cao còn nhiều khó khăn, với nhiều hủ tục lạc hậu, tình hình an ninh phức tạp, người dân bị một số kẻ xấu lợi dụng lôi kéo theo các tổ chức bất hợp pháp. Nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân đã tự có ý thức phát triển kinh tế.
Chị Thào Thị Mỵ, xóm Khau Ho cho biết: Từ năm 2021, khi gia đình được cán bộ thông báo gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách và cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản, chị đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuối. Nhờ chịu khó học hỏi nên đàn lợn của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt.
Qua hai năm chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi. Mỗi năm gia đình chị cho xuất bán hai lứa lợn. Trừ hết chi phí gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ một gia đình khó khăn nhất bản, gia đình chị Mỵ đã vươn lên thành hộ khá giả của xóm Khau Ho.
"Tôi rất biết ơn cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi cũng như các hộ dân trong xóm. Nhờ Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân chúng tôi đã không còn đói khổ nữa", chị Thào Thị Mỵ chia sẻ.
Ông Lầu A Mú, Bí thư xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc cho biết: Trước đây, ở xóm Khau Ho có một số hộ bị ảnh hưởng bởi TCBHP Dương Văn Mình. Sau khi được chính quyền vận động, người dân đã ký cam kết từ bỏ, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chủ động phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.
Quan tâm chăm lo cho đồng bào nghèo
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng ban hành nhiều văn bản chính sách đặc thù nhằm từng bước cụ thể hóa các chương trình, dự án của Chính phủ đối với đồng bào DTTS. Hằng năm, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án thực hiện chính sách dân tộc, Cao Bằng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng số vốn ngân sách Trung ương thực hiện trong năm 2023, là hơn 2.095,448 tỷ đồng (gồm cả vốn năm 2022 chuyển tiếp sang). Đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.510,739 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư công giải ngân được 91% kế hoạch vốn giao.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, các chương trình chính sách hỗ trợ, đầu tư trong vùng đồng bào các DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Mông của Cao Bằng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh 4,23%/năm...
Đến nay, hạ tầng cơ sở vùng DTTS trên toàn tỉnh được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 95,16%; tỷ lệ xóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trên 75%; hơn 96% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố...
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, việc triển khai chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã giúp đồng bào ổn định đời sống, tạo nền tảng giúp đồng bào phát triển kinh tế.
Không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các cấp chính quyền của tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống cho Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS ở vùng sâu, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo được thụ hưởng đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, chính sách an sinh xã hội… để ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Ma A Tú, Trưởng thôn, Người có uy tín xóm Khau Dề, xã Thái Sơn huyện Bảo Lâm cho biết: Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, xóm có đường đi lại thuận lợi, cuộc sống người dân được cải thiện. Người dân còn được phát thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, con cháu được học hành đầy đủ bà con trong xóm phấn khởi lắm.
Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa
Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cho biết: Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao, chiếm trên 50%, trong đó có những hộ người Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHP Dương Văn Mình. Từ các nguồn lực đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ đến 14 xã, thị trấn. Bà con tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề theo nhu cầu, phát triển kinh tế rừng... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, Cao Bằng còn quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Theo đó, tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều chương trình, đề án về bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Trùng Khánh… đều đã tổ chức Ngày hội văn hóa Mông; các lễ hội văn hóa của đồng bào DTTS để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy, tạo thành "sức mạnh mềm" đập tan âm mưu lợi dụng, biến tướng văn hóa truyền thống của các thế lực thù địch.
Với sự kiên trì, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cùng với nhiều cách làm sáng tạo triển khai chương trình, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, đã khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS.
Diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới địa đầu Đông Bắc của Cao Bằng hôm nay đang ngày càng khởi sắc. Đời sống kinh tế ổn định và phát triển, đồng bào DTTS không còn bị kích động dụ dỗ, lôi kéo theo các tổ chức bất hợp pháp. Đó là một minh chứng sinh động về niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước, góp sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia...