Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Viết báo để níu giữ những điều cao đẹp

Hà Văn Đạo - 09:32, 22/06/2020

Thông minh và chăm chỉ, phóng khoáng và hồn hậu-Nhà báo-Nhà thơ Uông Thái Biểu (Trưởng đại diện Báo Nhân Dân tại Tây Nguyên) từng ngày đau đáu với những đề tài lịch sử, văn hóa, lao động, dân sinh. Nghề viết, với anh là để ý nghĩ buồn vui theo thăng trầm của những vùng đất, tộc người, những giá trị cốt lõi của đời sống cần phải gìn giữ, trao truyền. Mỗi đề tài đều được chuyển tải dưới các lớp lang chữ nghĩa tràn đầy xúc cảm và ý niệm gửi gắm. Tất cả như mạch nước mát trong, thẩm thấu tự nhiên vào tâm hồn người tiếp nhận.

Nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu (thứ hai từ phải sang) cùng đồng bào Chu ru (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng)
Nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu (thứ hai từ phải sang) cùng đồng bào Chu ru (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng)

Những trăn trở nặng tình

Sau 30 năm cầm bút, ở tuổi 54, Uông Thái Biểu vẫn miệt mài với từng trang viết. Sinh ra từ vùng đất nghèo khó mà nặng tình huyện Nghi Lộc (Nghệ An), nỗi thiệt thòi mất cha từ nhỏ đã vun vén trong anh khát vọng vượt qua mọi chông gai. Tốt nghiệp văn chương (Đại học Vinh), lăn lộn qua nhiều vùng đất như: Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng… rồi Uông Thái Biểu quay về định cư ở Đà Lạt như là duyên nợ. Từ sớm, anh đã định vị cho mình một phong cách riêng, với sự chiêm nghiệm: “Những lời khen thật giả sượng sùng/ Những lời chê thô bạo khoác màu trung thực/ Thật may sự thật không có màu gì cả/ Giấy trắng và mực đen”.

Với Uông Thái Biểu, tình yêu quê hương, đất nước được dưỡng nuôi từ những điều nhỏ nhất, ngọt ngào lẫn cay đắng. Niềm tin, bản lĩnh, tố chất cũng chắt lọc, hun đúc từ đó. Không đào sâu suy nghĩ, yêu thương đậm đầy khó mà đúc rút được những dòng chữ. Xuyên suốt các tập sách đã xuất bản: Gió đồng (thơ 2001); Nhớ núi (thơ 2017); Mùa lữ hành (phóng sự - bút ký - đối thoại 2010); Gió thổi từ miền ký ức (tùy bút và tản văn 2019) đều thể hiện rõ trách nhiệm của người viết với mỗi vùng đất, con người mình đã đi qua, từng gặp.

Đặc biệt, ở tập sách “Gió thổi từ miền ký ức”, nhiều ghi chép, tùy bút gây xúc cảm mạnh trong lòng người đọc. Từ những ghi chép trong tuyển tập “Gió thổi từ miền ký ức” như: “Khúc đồng dao thơ ấu”; “Dòng sông hát”; “Chợ quê, một đốm lửa thiêng”; “Ký ức thành Vinh”… đều quấn quyện xúc cảm người viết với những điều ngỡ như giản đơn nhất nhưng khó nắm bắt nhất để cô đọng, khái quát lên thành dòng xúc cảm cho tất cả mọi người. 

Toát lên từ các tác phẩm cũng như lời tâm tình của Uông Thái Biểu đúc rút ra trong nghề báo là: Mỗi một chuyến đi, mỗi một đề tài, mỗi một tác phẩm hiện lên mặt báo là sự thể hiện rõ nét lao động, thể hiện tình yêu đất nước và trách nhiệm công dân. Niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, tính chân thực và sự hấp dẫn của mỗi tác phẩm, cũng từ đây mà nhem nhóm…”.

Viết báo để níu giữ những điều cao đẹp 1

Giữ gìn những hồn cốt

Ở nhiều tập sách hay những phóng sự đơn lẻ của Uông Thái Biểu dễ nhận ra sự hiện diện của nỗi khát khao cháy bỏng về những điều cần gìn giữ. Tiêu biểu như những tác phẩm: “Hãy trả sử thi về cho nhân dân”; “Ngọn lửa và tiếng chiêng”; “Còn đâu bếp lửa nhà dài”; “Theo dấu lưu dân”; “Ngoại ô thương nhớ”; “Phiêu lãng cùng Chu Ru”…

Hình thành trong trái tim của anh như một triết lý đó là “hãy giữ gìn lấy những hồn cốt”. Hồn cốt trong từng đề tài, bài viết, trong cả mọi vấn đề của cuộc sống tiếp biến, xảy ra, ùa đến với mỗi chúng ta. Nhiều cuộc tâm sự, nhà báo Uông Thái Biểu sẻ chia rằng: Nghề viết chọn được “kim chỉ nam” là rất quan trọng. Người ta nhìn cái mẽ ngoài của anh, cái lời nói ba hoa của anh thì vui mắt, vui tai nhưng đọng lại vẫn là những con chữ, tác phẩm, là tư chất thực. Viết để xây dựng cuộc sống, để vun đắp cái đẹp. Bạo tàn và cái xấu ở thời điểm nào đó có thể chiến thắng cái đẹp, cái tử tế nhưng cuối cùng cũng phải bị trừng phạt.

Chính tâm thế, nghĩ suy và trách nhiệm với từng trang viết nên Uông Thái Biểu tự hào với những điều cao đẹp bao nhiêu thì lại đau đáu, suy tư với những nhạt phai, những biến đổi văn hóa theo hướng tiêu cực bấy nhiêu, nhất là với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, đầy bí ẩn. Nơi anh đã dành tình yêu sâu đậm suốt bao năm qua. 

Tôi đọc được những ưu tư, đượm buồn của Uông Thái Biểu khi anh tận mắt thấy, tận tai nghe người ta nháo nhác hỏi số tiền làm các công trình về sử thi, về văn hóa Tây Nguyên, họ làm văn hóa truyền thống, nhìn văn hóa truyền thống bằng con mắt “thị trường”. Những thầy giáo ngồi trên thành phố dùng tư liệu sưu tầm của sinh viên, những nhà nghiên cứu ôm mớ tư liệu điền dã về xếp đáy ba lô hay khô héo trên giá sách…

Có những miền đất, dẫu tha thiết yêu, dốc lòng vun góp giữ lấy những đặc trưng làm say lòng lữ khách nhưng rồi cũng phải đau tiếc trước các biến đổi khó cưỡng. Điển hình như với Đà Lạt, Uông Thái Biểu thổ lộ lên thành tác phẩm báo chí rằng: “…Không chỉ là lữ khách, tôi đến đây, đã ở lại nơi này. Năm tháng mới xảy ra gần thôi nhưng qua rồi vẫn giăng mắc trong lòng một nỗi hoài nhớ. Nỗi nhớ, trên xứ sở này, đôi khi hiện hữu rõ ràng, đôi khi mơ hồ như ảo giác…Thời đó, Đà Lạt chưa phải là vùng có nhiều dự án, chưa đào núi, ủi đồi, chặt cây, lấp hồ. Đà Lạt hồi đó nhiều cây xanh, bởi chưa bị bọc bởi nhà kính, nhà lưới. Đà Lạt hồ đó rừng nguyên sinh len cả vào nội ô…(Gió thổi từ miền ký ức). 

 Không chỉ làm báo, Uông Thái Biểu còn là gương mặt thơ đầy nội lực. Những điều không chuyển tải bằng tác phẩm báo chí, anh gửi gắm vào thơ để cân bằng đời sống và bước tiếp những bước dài trong hành trình lao động chữ nghĩa. Làm thơ với Uông Thái Biểu cũng không đơn thuần là cảm xúc cá nhân mà còn là sự khắc ghi những cảm tác hào hùng về lịch sử, đất nước, dân tộc. Thế nên, nhiều câu thơ có sức gợi và neo vào người đọc một cách tự nhiên.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.