Cảm động ngày trở về
Vượt quãng đường dài hơn 1.500km từ tỉnh Đắk Lắk đến thăm mặt trận Vị Xuyên, cựu chiến binh Hoàng Bá Xang - nguyên Trưởng ban Trinh sát của Đại đội C20, Sư đoàn 356 - không dấu được niềm xúc động sau gần 40 năm quay lại mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Trong số những người lính trở về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, thắp nén tâm nhang cho những đồng đội đã quên mình ngã xuống vì sự bình yên của non sông đất nước, ông Xang là người đặc biệt hơn, bởi đôi chân đã khuyết một bên, phải chống nạng trên suốt hành trình. Dù đau nhức khắp cơ thể, nhưng ông vẫn quyết tâm trở lại nơi đồng đội đã ngã xuống để thắp nén nhang.
Nhớ về những năm tháng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, ông Hoàng Bá Xang chia sẻ: Gần chục năm ròng, không khi nào biên giới Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn. Nơi đây, nhiều trận chiến đấu diễn ra rất ác liệt. "Sau ngần ấy năm, nay tôi mới trở về gặp lại đồng chí, đồng đội. Gặp nhau chúng tôi mừng lắm vì còn được nhìn thấy nhau khỏe mạnh, còn được cùng nhau thắp nén hương thơm cho những đồng đội năm nào cùng chung trận địa; nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bởi nhiều anh em hi sinh còn chưa tìm được danh tính, tên tuổi, hài cốt”, ông Xang bùi ngùi xúc động.
Trong số những người trở về Vị Xuyên hôm nay, không chỉ là các cựu chiến binh, mà còn có cả thân nhân của các anh hùng liệt sỹ, như anh Lê Văn Hùng (dân tộc Mường, trú tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Theo đó, đã hơn 40 năm từ ngày nhận được tin người anh hi sinh, đến bây giờ, anh Hùng mới đủ điều kiện ra thăm nơi an nghỉ của Liệt sỹ Lê Văn Thắng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.
Trong giây phút nghẹn ngào xúc động, anh Lê Văn Hùng chia sẻ: Đây là ần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Giang. Đến đây thấy phần mộ của anh mình được nằm giữa hàng nghìn mộ Liệt sỹ được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, chúng tôi cũng yên tâm. “Anh tôi hy sinh vì bảo vệ Tổ quốc, tôi hứa sẽ luôn noi gương anh sống xứng đáng với sự hi sinh của các anh”, anh Hùng nói.
Vươn lên từ bom đạn
Trong kí ức của cựu chiến binh Vũ Văn Cảnh, làng Pinh, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên không chỉ là nơi tập kết lính, mà còn có rất nhiều đơn vị có kho tàng đạn dược, hậu cần, và cả một bệnh viện dã chiến ngay lối vào làng. Ông Cảnh dẫn chúng tôi đến căn nhà cấp bốn đã xuống cấp. Ông giới thiệu đó chính là “trạm phẫu tiền phương”. Nhiều đồng đội của ông đã được chữa trị trong chính căn nhà ấy.
Chiến tranh lùi xa, làng Pinh giờ đã “thay da, đổi thịt”, xung quanh “trạm phẫu tiền phương” là những luống mạ non đang mọc lên xanh tốt. Làng hiện cũng không còn hộ nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới gần chục năm nay.
Cách “trạm phẫu tiền phương” độ hơn chục mét, chính quyền thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy đã gắn biển và xây dựng một đài tưởng niệm. Cuộc sống người dân làng Pinh hôm nay đã có nhiều đổi thay nhờ phát triển du lịch tâm linh.
Ông Hoàng Văn Vĩnh, một chủ homestay tại làng Pinh chia sẻ: Trước nhắc tới làng Pinh là nhớ tới bom đạn, chết chóc và thương vong. Nhưng bây giờ, làng Ping đã hồi sinh và vươn lên mạnh mẽ, dân làng luôn biết ơn những người lính Cụ Hồ năm xưa, những cựu chiến binh đã mang lại cho làng Pinh đời sống no ấm, hạnh phúc như ngày hôm nay.
“Từ khi mở homestay, nhà tôi đón khách liên tục, có thời điểm đón 20 đến 30 mâm khách đặt cơm, và lưu trú qua đêm. Cả thôn Thanh Sơn bây giờ nhà nào cũng có ao nuôi giống cá bỗng đặc sản phục vụ du khách”, ông Vĩnh phấn khởi thông tin thêm.
Cũng như làng Pinh, màu xanh giờ đây cũng hiện hữu trên khắp các bản làng, xóm ngõ trong các xã ở huyện Vị Xuyên. Bên cạnh đời sống của người dân ngày càng sung túc, công tác đền ơn đáp nghĩa cũng ngày càng được chú trọng.
Những năm gần đây, rất nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong Nam ngoài Bắc, trong đó có nhiều người từng là cựu chiến binh Vị Xuyên đã quay lại để chia sẻ tấm lòng đối với vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc. Họ đến Hà Giang góp tiền xây trường học cho trẻ em; tặng đồng bào nghèo phương tiện sinh kế bằng heo giống, bò giống; xây những ngôi nhà mới vững chãi cho đồng bào thay cho nơi ở cũ dột nát... Tất cả việc làm ấy đã và đang mang đến cho mảnh đấy này diện mạo ngày càng tươi đẹp hơn.
Đại tá Nguyễn Hoài Nam, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, chia sẻ: Giữ được hòa bình, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, phát triển đời sống người dân ở vùng đất biên giới là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng. "Bên cạnh công tác rà phá, làm sạch bom mìn; công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ; công tác đền ơn đáp nghĩa…, thì việc giúp đỡ người dân ổn định, an tâm làm ăn, phát triển kinh tế cũng có một phần trách nhiệm của chúng tôi. Về phần những liệt sĩ còn chưa được tìm thấy hài cốt, chúng tôi sẽ cố gắng tìm và đưa các liệt sĩ về Nghĩa trang Vị Xuyên”.
Chia tay với Vị Xuyên, mọi người hẹn gặp lại nhau trong những cái nắm tay lưu luyến. Câu hát "Inh noọng ơi, Slao noọng ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời..." theo mãi trong tâm trí chúng tôi từ miền mây trắng về đến thành phố bên sông Hồng. Ngoảnh nhìn về Vị Xuyên đang "thay da đổi thịt" mà chúng tôi càng thêm tin tưởng về một tương lai phát triển thịnh vượng ở mảnh đất biên cương này.