Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Về Nậm Nhùn nghe bà con kể chuyện thoát nghèo

Hà Minh Hưng - 09:39, 30/08/2022

Huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có 6/11 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Sau hơn 10 năm chia tách, Nậm Nhùn hôm nay đã khoác lên mình một tấm áo mới: Huyện có 10 xã thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, 69/69 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 91%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.

Tuyến đường trung tâm huyện Nậm Nhùn lung linh về đêm
Tuyến đường trung tâm huyện Nậm Nhùn lung linh về đêm

Chuyển mình từ vùng đất khó

Những năm trước đây về xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Ấn tượng khi về bản là hình ảnh những đứa trẻ đồng bào Mảng mình trần, mặt mũi lem luốc, ánh mắt sợ sệt khi có khách lạ đến… Nay đường về xã, bản đã trải nhựa 100%, trường học bán trú sạch đep, tiếng trẻ ríu rít nô đùa trên những con đường bê tông phẳng lỳ, bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Vừa đon đả rót nước mời khách, chị Lò Me Lưởng (dân tộc Mảng) ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải nhớ lại: 10 năm trước gia đình mình thuộc diện nghèo nhất bản, dù ở bản nhà mình cũng có tiếng là chăm chỉ, làm việc quần quật cả ngày trên nương rẫy. Vậy mà, chưa khi nào bồ thóc được “ngủ quên” sang vụ sau cả. Nhà có 6 miệng ăn, chưa tới giáp hạt đã phải “rồng rắn” xếp hàng trước cổng UBND xã chờ gạo cấp của Nhà nước”. Làm lụng quanh năm chẳng đủ ăn, cám cảnh, chị Lưởng về Hà Nội làm đủ nghề từ rửa bát, phụ hồ, làm đồ nhựa, nhưng cuộc sống xa nhà, biết bao chi phí, có lúc hết việc thế là đi tong cả tháng lương cho chi phí sinh hoạt chờ việc.

Nhiều đêm trăn trở cảnh thất nghiệp, chị quyết ngược núi về bản, chị được Hội Phụ nữ xã giới thiệu tham gia lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kĩ thuật chăn nuôi, và tiếp cận nhiều mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Như cởi được “nút thắt” bấy lâu nay trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế gia đình.

Sẵn lợi thế địa phương với nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc. Với 50 triệu đồng vay vốn ngân hàng, chị Lưởng cùng gia đình bắt tay vào “giải bài toán” kinh tế khó khăn bấy lâu.

Chị Lưởng chọn nuôi trâu nái, thời điểm này, trâu gầy, nên chị mua được với giá hợp lý. Từ những kiến thức tích luỹ có được khi đi tham quan thức tế. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại, chuyển từ phương thức chăn nuôi thả rông sang chăn thả có chuồng trại, tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, nhờ vậy mà đàn gia súc của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, gia đình chị Lưởng đã có gần 20 con trâu, bò, hơn 15 con dê và hơn 100 con gia cầm các loại. Ngoài phát triển chăn nuôi, chị còn trồng thêm 2.000m2 nghệ đen, 0,5 ha nương ngô, sắn và hơn 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, từ chăn nuôi và trồng trọt đem lại cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ một hộ khó khăn trước đây, nay gia đình chị Lường là tấm gương điển hình của đồng bào Mảng vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để nhất nhì bản.

Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, hướng đi hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho bà con huyện Nậm Nhùn
Mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, hướng đi hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho bà con huyện Nậm Nhùn

Cũng như chị Lưởng, anh Vàng A Vư bản Nậm Pồ, xã Nậm Manh với tài chăn nuôi mô hình đại gia súc. Năm 2012, Vàng A Vư tiếp cận 20 triệu từ nguồn vốn vay ưu đại của Hội Nông dân, cùng với đó, anh được tập huấn lớp chăn nuôi của xã. Nắm kiến thức trong tay, Vàng A Vư từng bước củng cố mô hình chăn nuôi. Giờ đây anh Vư có trong tay cả tỷ bạc với đàn trâu gần 100 con, chưa kể dê và lợn thương phẩm, thế nên bà con gọi anh với danh xưng “vua trâu”. Đặt gánh cỏ sữa mới cắt từ nương về, gạt mồ hôi Vư cười chia sẻ: “Chăn nuôi nó thú lắm, ngày nào mà không trực tiếp ra trang trại cho chúng ăn, vuốt ve là nhớ lắm”.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ: Nậm Nhùn là huyện khó khăn, nhiều DTTS như Mảng, Cống, Khơ Mú… , nhiều xã, bản còn rất khó khăn. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm, nên đời sống đồng bào dân tộc có nhiều đổi thay, nhiều thanh niên dân tộc có hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng giàu đẹp.

Làm giàu trên đồng đất quê hương

Thú thực khi “mục sở thị” mô hình kinh tế của anh Lò Văn Duy, bản Nậm Hài, xã Mường Mô mới thấy nể phục quyết tâm và sự kiên trì của chàng trai người Thái này. Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình cá lồng, Duy tâm sự: “Lớn lên trên vùng đất khó khăn, quanh năm cái đói, cái nghèo cứ dai dẳng đeo bám. Tuy bản mình có nhiều ruộng nương, sông suối, vậy mà làm chẳng ra, quanh năm lo cái ăn đã toát mồ hôi. Trước đây, gieo cấy, chăn nuôi rất khó khăn, hằng ngày nhìn cây giống sinh trưởng tốt thấy trong lòng khấp khởi. Nhưng, đến kỳ thu hoạch thì thật là ngán ngẩm, cả đám nương to thế mà bông lúa nhẹ hều. Hạt thóc chẳng ở đã đành, buồn nhất là cảnh đàn gia súc, gia cầm đang phổng phao, sáng ra chết như ngả rạ vì dịch bệnh".

Một góc trung tâm huyện Nậm Nhùn nhìn từ trên cao
Một góc trung tâm huyện Nậm Nhùn nhìn từ trên cao

Nhận thấy tiềm năng mặt nước có thể phát triển nghề nuôi cá lồng lòng hồ thuỷ điện, năm 2017, Duy cùng 20 hộ của xã Mường Mô nắm bắt Nghị quyết 04 của tỉnh về xây dựng phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển mô hình cá lồng. Theo đó, các hộ nuôi cá lồng được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng. Một lợi thế cho việc phát triển nuôi cá lồng tại xã Mường Mô nữa là nguồn thức ăn cho cá được tận dụng từ nguồn thủy sản lòng hồ. Vì vậy các hộ nuôi cá không phải tốn thêm tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư. Hơn thế, việc không sử dụng thức ăn hỗn hợp cũng giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở cá, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm sạch, chất lượng. Từ những lồng cá “đầu tay” sinh trưởng và phát triển tốt, Duy và các hộ dân khấp khởi mừng thầm, nhưng đầu ra bấp bênh. Cứ đến kỳ thu hoạch là phải mang vài chục kg ra chợ bán dần, nghĩ đến khối tài sản dưới nước mỗi ngày mà lo…

Để giải quyết bài toán đầu ra, Duy tìm hiểu thông tin trên mạng, cùng với sự tư vấn của bạn bè, anh xây dựng trang Fanpage Du lịch Mường Mô Travel, đồng thời làm mô hình nhà nổi, đón khách tham quan và phục vụ ẩm thực ngay trên sông. Với xu thế phát triển du lịch trải nghiệm, mô hình nhà nổi và đặc sản ẩm thực cá lăng của Lò Văn Duy ngày càng đón nhiều lượt khách tới thăm. Đến nay, Hợp tác xã Mường Mô không chỉ có Duy mà nhiều hộ thành công mô hình nuôi cá lồng lăng đen, như chị Nùng Thị Tuyết, anh Đỗ Văn Thắng hàng năm thu nhập từ nuôi cá lồng trừ chi phí cũng bỏ túi gần 200 triệu đồng.

Để giúp đỡ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng, ngoài các chính sách hỗ trợ con giống, lồng nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo xã Mường Mô thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng. Tăng cường mối liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc.

Đường về bản, xã của Nậm Nhùn nay đã dải nhựa, 100% cứng hoá đến từng thôn bản
Đường về bản, xã của Nậm Nhùn nay đã dải nhựa, 100% cứng hoá đến từng thôn bản

Chia tay Nậm Nhùn, chúng tôi không quên những chia sẻ mang nhiều thông điệp vui, như một sự khẳng định của Chủ tịch UBND huyện, Hà Đức Sơn: Tuy Nậm Nhùn là huyện mới, được chia tách, thành lập từ hai huyện nghèo (Mường Tè và Sìn Hồ), sau gần 10 năm, giờ Nậm Nhùn là địa phương có số thu nhập ngân sách cao nhất tỉnh. Nậm Nhùn được thiên nhiên ưu ái, sở hữu hai lòng hồ thủy điện lớn nhất cả nước; có di tích lịch sử cấp quốc gia (Khu lưu niệm Vua Lê Thái Tổ), có điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á (điểm cao xã Pú Đao) và những bản làng bình yên còn giữ trong mình nhiều giá trị văn hoá địa phương… Với những lợi thế ấy, là nguồn lời “vàng” để người dân Nậm Nhùn phát triển thuỷ sản, phát triển du lịch tâm linh, du lịch khám phá và nhiều dịch vụ khác…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.