Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Về miền thuốc Nam

Hà Văn Đạo - 16:41, 05/02/2021

Mùa nọ nối tiếp mùa kia, thiên nhiên vẫn khắc nghiệt, nhưng chứa ẩn sự ưu ái nên những loại cây thuốc quý vẫn mọc lên ở Cà Đú, Bác Ái, An Nhơn, An Phước… của miền nắng gió Ninh Thuận. Nhiều bệnh thông thường như: Viêm da, giảm đau, thấp khớp, viêm dạ dày; cảm sốt, thanh nhiệt; sốt rét; ho, hen suyễn; cao huyết áp, suy nhược cơ thể… đã được bàn tay cần mẫn của những lương y sinh ra từ làng bốc thuốc, sắc thuốc điều trị khỏi bệnh…

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận) kiểm tra vườn đinh lăng trồng thử nghiệm
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Ninh Thuận) kiểm tra vườn đinh lăng trồng thử nghiệm

Gửi nghĩa tình trong mỗi thang thuốc

Không ai nhớ rõ ngày hình thành bài thuốc Nam đầu tiên nhưng trải qua hàng trăm năm vùng Xuân Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đi vào ký ức với tên gọi “Vùng thuốc Nam người Chăm”. Hai làng thuốc nức tiếng của xã Xuân Hải chính là An Nhơn và Phước Nhơn.

Vượt đói khổ, nhọc nhằn, định hình, làm nên thương hiệu làng thuốc thay đổi bao phận người. Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2021 này, người Chăm sử dụng khoảng gần 300 loài cây thuốc thuộc hơn 90 họ thực vật để bào chế ra trên 400 bài thuốc quý, trong đó có hơn 100 bài đã được ngành Y tế kiểm định, cấp giấy chứng nhận là bài thuốc cổ truyền có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Người bào chế phải qua trường lớp đào tạo, được cấp chứng chỉ.

Bừng lên niềm hạnh phúc, sau những tháng ngày rong ruổi đi giao lưu và bán thuốc Nam ra các vùng lân cận, lương y Đạo Thanh Phong, huyện Ninh Hải chia sẻ: Vùng Ninh Hải tập trung lương y nhiều nhất nên như cái kho kinh nghiệm khổng lồ về cây thuốc Nam. Bước vào dòng chảy của hiện đại, những thầy thuốc ở Ninh Hải không co cụm lại ở làng, xã mà vươn cả ra các tỉnh khác để giao lưu, học hỏi và cùng trao truyền nhau những kinh nghiệm quý trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Mỗi thang thuốc bốc ra là nghĩa tình được gửi cả vào đó.

Cũng như nhiều bài thuốc gia truyền khác, các bài thuốc và cách bốc thuốc ở làng thuốc An Nhơn, Phước Nhơn cũng lắm công phu. Theo các lương y già ở đây thì, chỉ có những ai trong nghề mới biết được vị trí cây thuốc có chất dược liệu cao nhất. Đến nay, có hơn 200 lương y trong các làng thông thạo các loại thuốc. Khi sắc và bào chế thuốc cũng có nhiều bí quyết riêng.

Tất bật đóng những thang thuốc quý gửi đi tặng bệnh nhân nghèo, lương y Đạo Thị Nữ bộc bạch: Dịp đầu Xuân chúng tôi thường tổ chức đi tặng thuốc cho người nghèo. Năm 2021 này chắc tặng hàng ngàn thang thuốc. Dù là miễn phí hay bán thì cũng nắm rõ thói quen sinh hoạt, tình cảnh bệnh một cách tỉ mỉ rồi mới bốc thuốc. Có người ở xa thì gửi qua đường bưu điện, tàu hỏa…

Người già luôn động viên lớp trẻ bảo vệ dược liệu
Người già luôn động viên lớp trẻ bảo vệ dược liệu

Yêu nghề để giữ nghề

Nguồn dược liệu thuốc Nam ở Ninh Thuận còn khá phong phú, có những loại mọc tự nhiên trên các đỉnh núi đá, nhưng những người bốc thuốc ở làng thuốc An Nhơn, Cà Đú, Phước Nhơn… trước mỗi chuyến đi đều thề với thần núi, thần rừng, họ không bao giờ khai thác kiểu tận diệt. Những mầm non, cây nhỏ không bao giờ hái về. Họ quan niệm, nếu lấy hết cả những cây thuốc chưa kịp trưởng thành là có tội.

Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, thì có đến gần 1.000 người Chăm là hội viên, trong đó, phần lớn ở Ninh Hải. Nghề thuốc Nam đã đổi thay hẳn diện mạo cuộc sống của hàng chục ngôi làng, nhưng tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà các thầy thuốc khai thác dược liệu bừa bãi.

Từ ngày biết bốc thuốc (cách đây hơn 35 năm) cho đến khi phải nghỉ ở nhà vì sức khỏe quá yếu, ông Đạo Rơ Thanh vẫn luôn giữ cho mình một nguyên tắc, phải bốc thuốc bằng cái tâm, nếu nghĩ vụ lợi, thì bài thuốc ắt hẳn sẽ giảm đi rất nhiều công hiệu. Đó là niềm tin đã hóa thành quan niệm sống của những người Chăm ở làng thuốc Phước Nhơn và An Nhơn.

Được coi là người bốc thuốc “mát tay”, lương y Đạo Thị Nữ tâm tình, bà đã đi nhiều thôn bản vận động và giảng giải cho họ các triệu chứng về một số căn bệnh thông thường. Cái gì có thể điều trị được bằng thuốc Nam thì điều trị, không thì phải đến cơ sở y tế. Bà Nữ còn bật mí rằng, đi bán thuốc nếu bệnh không giảm hoặc không ngăn chặn được, thì không bao giờ lấy tiền.

Để nguồn dược liệu quý không bị sụt giảm, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận trong sự nỗ lực kết nối đã được Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận”.

Về miền thuốc Nam 2

Dự án có kinh phí đầu tư lên đến 50.000USD. Nhiều lương y dưới chân núi Cà Đú rạng rỡ hy vọng: Rồi đây sẽ có nhiều hơn những bài thuốc giá trị, đóng góp vào sự phong phú của nghề đông y Việt Nam. Các vườn bảo tồn, khu thực nghiệm hình thành sẽ giữ được các nguồn gen dược liệu quý của các loại cây như: Bao vỏ, xạ đen, huyết rồng, vú bò, cam đường, bình vôi, chùm ngây…

Như một mạch nguồn tất yếu, sau mỗi quy trình khai thác, bào chế của những thầy thuốc Nam, Hội Đông y Ninh Thuận, ngành Y tế Ninh Thuận lại tổ chức các hội nghị thầy thuốc giỏi người Chăm.

Ba lần được dự hội nghị, lương y Đạo Văn Tùng phấn chấn: Mỗi lần như vậy, các thầy thuốc được bồi đắp bao kinh nghiệm quý từ việc đi hái thuốc, bào chế, sao tẩm… Lại được nghe các chuyên gia, các thầy thuốc giàu kinh nghiệm cập nhật cho kiến thức mới. Từ đó, tay nghề nâng cao. Chính quyền địa phương cũng đã rất quan tâm đến vấn đề này.

Giấc mơ về nhãn hiệu “Dược liệu Xuân Hải”; “Dược liệu người Chăm”… sẽ không còn xa vời, khi quyết tâm bảo vệ cây thuốc, nguồn gen quý từ các loại dược liệu được tiếp tục truyền lại cho các thế hệ trẻ.